Từ nay đến 1/4/2012, các ngân hàng phải thống nhất nợ xấu nên áp dụng theo phân loại rủi ro gì và trích lập dự phòng như thế nào.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 35/2011/TT-NHNN về việc sẽ công khai nợ xấu theo các tiêu chuẩn quốc tế từ ngày 1/4/2012. Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII, phóng viên VOV Online ghi lại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
PV: Xin ông cho biết quan điểm về thông tin từ 1/4/2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố công khai nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi cho rằng, đây là lộ trình rất tốt, hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung trong tương lai cần phải minh bạch thông tin. Bản thân nền kinh tế thị trường phải điều tiết, người dân họ phải được biết ngân hàng nào tốt, ngân hàng nào chưa tốt để gửi tiền hoặc có những giao dịch khác.
PV: Ông đánh giá mức độ khả thi của chủ trương này như thế nào khi mà chúng ta chưa phân loại nợ theo các thông lệ quốc tế đồng nhất trong các ngân hàng và các ngân hàng cũng không muốn thông tin cụ thể về các khoản nợ xấu?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Từ nay đến 1/4/2012, Ngân hàng Nhà nước phải thống nhất một chuẩn phân loại nợ, nếu không đồng nhất được thì mỗi ngân hàng sẽ công bố một kiểu, cách thức khác nhau.
Hiện nay, việc phân loại nợ đang có hai kiểu chuẩn: Một là áp dụng theo điều 6. Hai là áp dụng theo điều 7 của Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín. Nếu áp dụng theo điều 7 thì nợ xấu thường cao hơn những ngân hàng áp dụng theo điều 6.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng là từ nay đến 1/4/2012 là các ngân hàng phải ghi rõ là nợ xấu áp dụng theo phân loại rủi ro gì và trích lập dự phòng như thế nào... Tôi nghĩ rằng, chuẩn nợ xấu thì có thể đồng nhất được, bên cạnh đó là trích lập dự phòng rủi ro theo điều 6 và điều 7 cần phải có sự thống nhất.
Ngân hàng quốc doanh và thương mại nên phối hợp trong tái cơ cấu
PV: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ký thỏa thuận hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng nhỏ. Ông nhìn nhận sự việc này thế nào, liệu có phải là động thái chuẩn bị cho quá trình tái cơ cấu sắp tới?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Sự phối hợp giữa các ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu là rất cần thiết. Người dân thường nói: “Buôn có bạn bán có phường”. Điều này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực ngân hàng. Trong điều kiện hoạt động bình thường, họ đã phải liên kết với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng. Một khi dòng chảy liên ngân hàng đình trệ thì rất nguy hiểm, bởi vậy các ngân hàng với gắn kết với nhau.
Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng lớn thể hiện vai trò của mình để hỗ trợ riêng cho một số ngân hàng nhỏ là rất tốt, giúp tạo lòng tin nơi công chúng. Cần hiểu sự hỗ trợ này chỉ diễn ra khi những khó khăn thanh khoản của các ngân hàng mang tính mất cân đối tạm thời, bản thân tài chính của họ vẫn tốt. Còn trong trường hợp mất thanh khoản do tổn thất tài chính, lỗ vốn, mất khả năng chi trả lại phải tính bài toán khác.
PV: Từ câu chuyện của BIDV, ông nhìn nhận thế nào về vai trò của các ngân hàng quốc doanh trong quá trình tái cơ cấu, nhất là khi Nhà nước đang để một lượng vốn lớn ở ngân hàng này?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Sẽ là bước đi tốt nếu từ chỗ hỗ trợ lẫn nhau, các ngân hàng sẽ tiến tới tìm hiểu nhau rõ hơn và có thể "kết duyên" với nhau. Bản thân cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu xem sự tham gia của các ngân hàng quốc doanh có ý nghĩa thế nào trong quá trình tái cơ cấu hệ thống. Nếu thấy các ngân hàng quốc doanh có trách nhiệm và cần thiết phải tham gia, chúng ta cũng cần tính tới phương án này.
PV: Thưa ông, liệu chúng ta có thực sự tin tưởng vào năng lực của các ngân hàng quốc doanh trong vai trò đi đầu để sắp xếp hệ thống, tái cơ cấu?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Các ngân hàng quốc doanh uy tín lớn, được người dân tin tưởng bởi Chính phủ luôn đứng đằng sau. Nhưng nói điều đó không có nghĩa chúng ta mặc nhiên yên tâm hoàn toàn. Các ngân hàng thương mại dù nhà nước hay cổ phần, dù lớn hay bé đều phải tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, thay đổi phương thức quản trị. Có như vậy chúng ta mới có được những ngân hàng mạnh thực sự.
PV: Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia sẽ đóng góp như thế nào trong việc tái cơ cấu các ngân hàng, thưa ông?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi thì cho rằng, chúng ta phải hình dung thiết kế, định dạng cho ngân hàng tương lai như thế nào. Thứ hai là phải xem xét xem từng ngân hàng đang ở mức độ nào để hỗ trợ, giúp cho họ vượt qua được những khó khăn hiện tại. Như vậy bản thân mỗi ngân hàng phải hoạch định xem mình có trách nhiệm gì và cần Nhà nước hỗ trợ gì.
Nhà nước hỗ trợ thì có nhiều cách, có thể là Nhà nước thông qua các ngân hàng khác, khuyến khích họ để họ hỗ trợ cho nhau. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có nhiệm vụ cùng với các cơ quan liên quan phân tích kỹ và chỉ ra từng hạng mục hoạt động của ngân hàng có điểm gì tốt, điểm gì chưa tốt, điểm gì yếu kém và cần phải khắc phục như thế nào, mức độ khắc phục ra sao.
Ví vụ vốn của họ còn yếu, chỉ số an toàn thấp, thanh khoản, kỳ hạn của họ mất cân đối thì còn phải điều chỉnh, quản trị của họ yếu kém thì phải thay đổi phương thức quản trị, hệ thống giám sát nội bộ của họ cần phải tăng cường lên và phải có thời gian để họ điều chỉnh và xử lý thích hợp.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo Bích Lan/vovnews.vn