Tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng dù kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn. Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn. Nhưng đầu tư cho hệ thống bán lẻ không thể vì sự hấp dẫn của lợi nhuận, mà hãy vì sự hình thành của hệ thống cung cấp hàng hóa chuyên nghiệp. Hệ thống này sẽ định hướng xu hướng tiêu dùng, giảm tầng nấc trung gian trong phân phối, để đem lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bộ Công thương ước tính tổng mức bán lẻ cả năm 2011 đạt 1.994 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 29,3% so với năm 2010. Đây là kết quả được đánh giá cần ghi nhận trong năm qua khi phát triển kinh tế có nhiều khó khăn, ưu tiên kiềm chế lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. Như vậy, dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam vẫn không ngừng tăng, giúp quy mô thị trường bán lẻ vẫn ở mức 90 tỷ USD, đóng góp từ 15 đến 16% GDP của cả nước. Trong năm qua, hệ thống bán lẻ hiện đại tiếp tục được mở rộng, với nhiều dịch vụ phục vụ, giúp người dân tại các đô thị có nhiều sự lựa chọn hơn. Các doanh nghiệp bán lẻ đã có bước phát triển nhanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cạnh tranh gay gắt. Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập được hệ thống phân phối, bán lẻ rộng khắp, đáp ứng đủ mọi nhu cầu tiêu dùng.
Bộ Công thương dự kiến, trong năm 2012, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sẽ tăng khoảng 20% và duy trì tốc độ tăng này trong vòng năm năm tới. Ngoài ra, sẽ cơ bản hoàn thành quy hoạch và phát triển hệ thống phân phối, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, và từng bước phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại các thành phố và đô thị lớn, trong đó ưu tiên hàng Việt Nam. Như vậy, trong năm 2012 và những năm tiếp theo, xu hướng của thị trường bán lẻ là phát triển bền vững, hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ hiện đại chưa bao phủ rộng khắp, nên khó chi phối lên thị trường cả nước. Nguyên nhân do những năm gần đây cơ cấu thu nhập, chi tiêu và phong cách tiêu dùng của người dân nước ta đã có sự thay đổi lớn. Nhưng việc tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa chưa bắt kịp với thay đổi này, khiến hàng nhập khẩu, hàng nhập lậu có chỗ đứng trên thị trường. Cụ thể là số người làm ra tiền và quyết định chi tiêu tại nước ta lớn gấp hai lần số người phụ thuộc và hơn 70% tổng số thu nhập được dành cho chi tiêu. 43% sức mua lại tập trung vào số người giàu, và chủ yếu dùng hàng nhập khẩu. Còn 40% sức tiêu thụ dành cho 70% dân số ở nông thôn lại cũng chưa thể hướng đến hàng Việt Nam vì thu nhập quá thấp. Do vậy, hàng Việt Nam chưa vươn tới ngưỡng phục vụ người có thu nhập cao đồng thời cũng khó tiếp cận người thu nhập thấp.
Nhiều ý kiến cũng lo lắng đối với sự phát triển của doanh nghiệp bán lẻ trong nước trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và kênh phân phối truyền thống. Nhất là khi nhà bán lẻ nước ngoài đang hỗ trợ mạnh mẽ cho người sản xuất. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phân phối có quy mô nhỏ, vốn ít (55% có vốn dưới 100 triệu đồng), nguồn nhân lực yếu về trình độ, thiếu về số lượng để có thể tổ chức theo hướng hiện đại. Nhưng có thể thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta đều phải đáp ứng các điều kiện về quy mô, nguồn lực tài chính. Hệ thống bán lẻ nước ngoài đã góp phần làm thay đổi diện mạo theo hướng tốt với lực lượng phân phối hàng hóa trên cả nước. Bên cạnh đó, phân phối truyền thống vẫn chiếm ưu thế, quyết định giá cả hàng hóa trên thị trường. Với phương thức này hàng hóa, dịch vụ được cung cấp phải qua nhiều tầng nấc, giá bán được quyết định bởi lực lượng thứ ba, chứ không phải người sản xuất hay người mua. Đặc biệt là đang có tình trạng người sản xuất phải bán nông sản với giá thấp, nhưng người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn nhiều lần.
Thực tế này cho thấy, cần hướng đến phát triển hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp. Khi phân phối hiện đại chiếm ưu thế sẽ giúp giảm tầng nấc phân phối trung gian. Điều này sẽ giúp khoảng cách giá từ trang trại đến bàn ăn được rút ngắn, từ đó, mang lại quyền lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Để thực hiện yêu cầu này thì cả cơ quan quản lý, cũng như doanh nghiệp đều cần thay đổi tích cực trong tư duy kinh tế, coi chất lượng và dịch vụ ở thị trường nội địa là yếu tố sống còn thay cho tâm lý hướng đến xuất khẩu như những năm trước.
Theo Lê Bình/Báo Điện Tử ĐBND