Mặc dù chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong nước năm qua đạt khoảng 95 tỷ USD. Đạt được kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Theo Bộ Công thương, hiện nay có 85-90% người tiêu dùng (NTD) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lựa chọn hàng Việt. Trong đó có 60% NTD hài lòng khi sử dụng các sản phẩm do DN trong nước sản xuất. Trong năm qua, trên địa bàn cả nước đã tổ chức gần 200 đợt bán hàng về nông thôn, với gần 2.000 DN tham gia và doanh thu đạt gần 100 tỷ đồng. Đạt được kết quả trên là do các DN sản xuất, bán lẻ đã chủ động tích cực tham gia vào cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", như hệ thống Siêu thị Sài Gòn Co.opMart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty CP Intimex, Siêu thị Fivimart... Nhiều siêu thị bày bán tới 90-95% hàng nội. Đại diện Vinatex cho biết, hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý chính thức, siêu thị thời trang của tập đoàn và các đơn vị thành viên được mở rộng tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 3.450 điểm bán tại các đại lý, 60 siêu thị Vinatex… Vinatex còn tổ chức hơn 60 đợt bán hàng tại các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa… Riêng với Hà Nội, năm 2011 đã tổ chức 50 phiên chợ hàng Việt và hơn 300 chuyến bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành. Tổng Công ty Hapro đã thực hiện 40 phiên chợ hàng Việt tại các huyện ngoại thành và 250 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, Hà Nội còn tổ chức chương trình "Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng", "Tháng khuyến mãi Hà Nội" trong tháng 11-2011, đã có tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, mang đến cho NTD những sản phẩm chất lượng, giá phù hợp và góp phần vào việc kiềm chế lạm phát.
Năm 2011, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có bước tiến đáng kể. Việc đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được nhiều địa phương quan tâm. Tuy nhiên, hàng Việt hiện mới chỉ chiếm ưu thế trong các siêu thị, còn tại các chợ truyền thống, mặc dù đã có nhưng chưa thu hút được NTD. Tại cuộc tọa đàm "Vì sao hàng Việt chưa được ưu tiên kinh doanh tại chợ truyền thống?" do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với Công ty CP Đồng Xuân tổ chức mới đây tại Hà Nội, các ý kiến đều xoay quanh việc DN, thương nhân, NTD đều muốn bán và sử dụng hàng Việt tại các chợ; nhưng tại sao hàng Việt chưa được ưu tiên kinh doanh? Trả lời câu hỏi này, có không ít chuyên gia cho rằng, khâu kết nối giữa DN sản xuất với phân phối và NTD chưa đồng bộ. Một vấn đề nổi cộm là hàng Việt chỉ về nông thôn theo các chuyến hàng, các hội chợ… sau khi kết thúc các chương trình này, hàng Việt lại về "phố", nên ở các vùng sâu, vùng xa chưa được sử dụng hàng Việt thường xuyên.
Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn. Điều này gây trở ngại lớn cho các DN vừa và nhỏ trong việc mở rộng thị trường. Bởi thường thì một DN muốn đầu tư xây dựng một siêu thị nhỏ phải mất 10 tỷ đồng, 7 năm sau mới thu lại được vốn. Trong khi đó, một số DN nội thiếu năng lực về tài chính, không thể có nguồn vốn dôi dư để đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, sản phẩm của một số DN Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, nhất là vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất. Nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất còn phụ thuộc vào nhập khẩu dẫn đến giá thành sản phẩm, hàng hóa "nội" cao hơn so với khu vực.
Năm 2012, ngành chức năng, cùng các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, gồm các loại hình chợ truyền thống ở thành thị, nông thôn và các loại hình thương mại hiện đại… Đưa hàng Việt về nông thôn ổn định phải bắt đầu từ việc xây dựng những cửa hàng thuần túy bán hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa. Để cuộc vận động lan tỏa, sự kết nối hiệu quả giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng cần cải tiến hơn nữa. Đặc biệt, chương trình đưa hàng Việt vào các chợ truyền thống cần được chú trọng triển khai có hiệu quả. Các DN cũng cần cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng sức cạnh tranh, nhất là tiết giảm chi phí hạ giá bán sản phẩm, để NTD lựa chọn được những sản phẩm hàng Việt phù hợp.
Theo Gia Bình/HNM Online