Cập nhật: 20/02/2012 13:46:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã đem lại cho nước ta nhiều lợi ích như tăng kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thay đổi diện mạo ngành bán lẻ… Tuy nhiên, thực tiễn đang đòi hỏi nền kinh tế nước ta phải chuyển mình để thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới, gia tăng sự cạnh tranh trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, lợi thế trước hết của việc gia nhập WTO là tăng cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa, sản phẩm, do sẽ không bị phân biệt đối xử, được hưởng thuế suất nhập khẩu giống với các nước thành viên khác. Và sau bước đệm gia nhập WTO, nước ta đã đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Những động lực này đã giúp tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều đạt trên 20%, ngoại trừ năm 2009 không đạt do khủng hoảng kinh tế thế giới. Và ngay trong năm 2011, dù tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn sau nhiều biến động, nhất là khủng hoảng nợ công tại châu Âu, thì kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 30%. Theo tính toán của các chuyên gia, sau 5 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình khoảng 16 đến 17%/năm.

 

Một thuận lợi khác khi gia nhập tổ chức này là thuế suất nhập khẩu giảm, giúp giảm chi phí sản xuất của nhiều ngành hàng. Từ đó, giá bán sản phẩm, hàng hóa giảm hơn trước và tăng khả năng cạnh tranh hơn. Không chỉ với nguyên nhiên liệu sản xuất, yếu tố này giúp người tiêu dùng cũng được lợi vì thêm cơ hội lựa chọn với hàng hóa nhập khẩu. Việc các doanh nghiệp ngân hàng, bảo hiểm, phân phối được xâm nhập sâu hơn vào thị trường nước ta không chỉ giúp người tiêu dùng thêm cơ hội lựa chọn. Và với sức ép cạnh tranh này doanh nghiệp trong nước đã đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ, giúp người tiêu dùng thụ hưởng nhiều tiện ích hơn. Bên cạnh đó, sau thời điểm này, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 năm tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 150 tỷ USD, gấp 2,7 lần, tổng số  thực hiện đạt 45 tỷ, vượt 77% so với mục tiêu đề ra.

 

Mặt khác, để đáp ứng điều kiện của tổ chức, nước ta đã từng bước sửa và xây dựng mới 86 luật, tạo điều kiện để phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với các nguyên tắc chung. Cùng với đó, chủ trương cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, tập trung đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ. Đồng thời, vị thế quốc tế của nước ta càng được nâng cao, và đã có điều kiện tham gia sân chơi quốc tế ở tư thế bình đẳng hơn.

 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thành quả khi gia nhập WTO chưa được như mong muốn. Bởi sự cạnh tranh của nước ta mới chỉ dừng ở tài nguyên thiên nhiên dồi dào, giá nhân công rẻ, giá sản phẩm thấp. Trong khi, thực tiễn đang cho thấy, cạnh tranh về giá sẽ không bền trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, các quốc gia thay đổi chiến lược xuất khẩu. Doanh nghiệp sử dụng giá thấp để tăng sức cạnh tranh cũng đem lại hệ quả đáng tiếc, nhất là nhiều nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Khi bị kiện chống bán phá giá thì kể cả đơn vị làm ăn chân chính vẫn chịu thiệt hại do phải tốn chi phí, thời gian để chứng minh không bán giá thấp. Hơn nữa, trong thời gian điều tra chống bán phá giá tại một thị trường, ngành hàng cũng như doanh nghiệp sẽ mất cơ hội xúc tiến thương mại để tiếp tục khai thác những phân khúc thị trường mới, tăng doanh thu, lợi nhuận cho mình. Điều này chắc chắn không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp hay ngành hàng, mà sẽ có ảnh hưởng nhất định về kinh tế - xã hội cho đất nước.

 

Lợi thế tài nguyên thiên nhiên, nhân công rẻ cũng không giúp tăng sức hấp dẫn với các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Bởi cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế khiến dòng vốn đầu tư khó phát huy hết hiệu quả. Đặc điểm này cũng khiến dòng vốn đầu tư chủ yếu hướng vào công nghệ đơn giản, hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Ngoài ra, sau khi gia nhập WTO, nhiều vấn đề không được lường trước đã xảy ra như khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công… Những vấn đề dự kiến sẽ xảy ra thì lại không xuất hiện. Nước ta cũng đứng trước nhiều thách thức khác khi thực hiện cam kết dỡ bỏ thuế quan đối với nhiều dòng hàng hóa đến từ các nước trong khu vực (2014), trở thành nền kinh tế thị trường (2018).

 

Trước thực tế này, GS, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại nhấn mạnh, để bước vào sân chơi toàn cầu cần gia tăng sức cạnh tranh ở ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Để nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, cần có những giải pháp thiết thực để thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với ba giải pháp đột phá (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ). Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, các cơ quan quản lý sớm xây dựng hệ thống chính sách để hướng doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển, từ đó, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, cần coi trọng hơn công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp, đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài. Các hiệp hội ngành nghề cần được tạo điều kiện về quyền hạn trong việc tổ chức hợp tác, phân công doanh nghiệp từng ngành hàng.

 

 

 

Theo Lê Bình/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm