Cập nhật: 23/02/2012 09:32:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tăng giá sữa kèm theo giải trình chi tiết về tỷ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá để làm căn cứ đánh giá mức độ hợp lý hay không trong việc tăng giá sữa gây bức xúc cho người tiêu dùng trong thời gian qua.

Đó là nội dung trong công văn số 2080/BTC-QLG vừa được Phó cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Anh Tuấn ký ban hành.

 

Theo đó, từ đầu tháng 12/2011, nhiều hãng sữa bột ngoại đã có thông báo điều chỉnh tăng giá bán, với mức tăng từ 9 - 19%. Bước sang năm 2012, các hãng sữa trong nước như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamik), Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, Công ty FrieslandCampina Việt Nam (nhãn hiệu sữa cô gái Hà Lan) cũng bước vào đợt điều chỉnh giá mới. Mức tăng đối với sản phẩm sữa nước là từ 5 – 7%. Việc tăng giá sữa đã gây không ít bức xúc đối với người tiêu dùng.

 

Trước tình hình trên, Cục Quản lý giá đã có công văn yêu cầu sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, theo quy định hiện hành và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

 

Với mặt hàng sữa nước nước, tuy không thuộc danh mục hàng hoá thực hiện việc đăng ký giá, nhưng theo quy định tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP, đây là mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá bình ổn giá của Chính phủ. Vì vậy, đề nghị Sở Tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát và yêu cầu doanh nghiệp tại địa phương không tăng giá mặt hàng sữa khi các yếu tố đầu vào không thay đổi.

 

Với những sản phẩm sữa nước đã tăng giá trong thời gian từ 1/1/2012, Bộ đề nghị các sở tài chính kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp có văn bản báo cáo về việc tăng giá kèm theo giải trình chi tiết về tỷ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá.

 

Sau khi có báo cáo giải trình của các doanh nghiệp, sở tài chính tổng hợp, kiểm tra, đánh giá mức hợp lý giữa tỷ lệ tăng (giảm) chi phí đầu vào so với tỷ lệ tăng giá bán. Trường hợp phát hiện vi phạm trong lĩnh vực giá thì xử lý nghiêm theo quy định.

 

Kết quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý phải được báo cáo về Cục trước ngày 31/3.

 

 

 

 

 

Theo Ngọc Lan/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm