Cơ chế này được thể hiện trong đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” do Chính phủ vừa phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”, với mục tiêu trọng tâm là cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng.
Theo đó, giai đoạn 2011-2015 tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, củng cố năng lực hoạt động; cải thiện mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng; phấn đấu đến năm 2015 hình thành được một, hai ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
Chia tổ chức tín dụng thành 3 nhóm
Trên cơ sở đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động và quản trị, đặc biệt là chất lượng tài sản, công nợ, vốn tự có và mức độ an toàn của tổ chức tín dụng (TCTD), các TCTD sẽ được phân loại thành 3 nhóm: TCTD lành mạnh; TCTD thiếu thanh khoản tạm thời và TCTD yếu kém. Từ đó, với mỗi nhóm TCTD sẽ có biện pháp xử lý thích hợp.
TCTD cần có phương án cơ cấu lại phù hợp với mức độ rủi ro, yếu kém và điều kiện cụ thể của TCTD. Nội dung cơ cấu lại các TCTD yếu kém bao gồm: 1- Lành mạnh hóa về tài chính; 2- Cơ cấu lại hoạt động; 3- Cơ cấu lại hệ thống quản trị; 4- Cơ cấu lại pháp nhân và sở hữu.
Đề án cũng đưa ra giải pháp cơ cấu lại 3 nhóm TCTD nêu trên. Trong đó đối với các TCTD yếu kém, NHNN Việt Nam tái cấp vốn cho TCTD thiếu thanh khoản trên cơ sở hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt với mức tối đa tương đương vốn điều lệ của TCTD được tái cấp vốn.
Bên cạnh đó, TCTD yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của NHNN Việt Nam về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động.
Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, TCTD yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện, NHNN Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với TCTD yếu kém;...
Tập trung hỗ trợ thanh khoản
Bên cạnh việc phân chia 3 nhóm TCTD như trên, Đề án đặt mục tiêu đầu tiên là bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng yếu kém qua việc tập trung hỗ trợ thanh khoản; trong đó NHNN sẽ tái cấp vốn trên cơ sở các hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt với mức tối đa tương đương mức vốn điều lệ của tổ chức đó.
Với tinh thần này, các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của NHNN về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. Ngân hàng thương mại nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần lành mạnh sẽ mua lại các tài sản và khoản nợ có chất lượng tốt của tổ chức tín dụng thiếu thanh khoản để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.
Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Vì thế, việc chia cổ tức, lợi nhuận của tổ chức đó cũng sẽ bị hạn chế, kể cả việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp và tài sản. Đồng thời sẽ giảm dư nợ tín dụng và hạn chế mở rộng quy mô hoạt động; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành…
NHNN sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng yếu kém phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần; cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối của tổ chức tín dụng yếu kém phải chuyển nhượng cổ phần.
NHNN sẽ trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước, sau đó sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác hoặc bán lại cho các nhà đầu tư có điều kiện. Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng văn bản pháp lý quy định cụ thể việc Ngân hàng Nhà nước tham gia mua lại cổ phần, vốn góp phục vụ cho hướng xử lý này.
Đặc biệt, Đề án trên mở ra một cơ chế đặc biệt là: “Xem xét, cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại" (hiện giới hạn tối đa là 30%).
Cùng với những nội dung trên, đề án cũng đưa ra những quan điểm về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua, như: thực hiện liên tục và mang tính quá trình; xây dựng các ngân hàng mạnh làm trụ cột đồng thời có những ngân hàng vừa và nhỏ; khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua bán lại tự nguyện; cơ cấu lại toàn diện về quản trị, tài chính, hoạt động của các tổ chức tín dụng; không để xẩy ra đổ vỡ và mất an toàn hệ thống ngoài tầm kiểm soát./.
Theo Hà Trần/VOV News