Cập nhật: 14/03/2012 16:07:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có lẽ việc Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ đúng vào thời điểm nền kinh tế suy giảm nên sau 5 năm mở cửa thị trường, mọi người vẫn chưa cảm nhận rõ rệt được "sự đổ bộ" của các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào như đã cảnh báo.

Mặc dù vậy, thích nghi với điều kiện mới, xem khủng hoảng là cơ hội để kiện toàn lại bộ máy, là phương thuốc mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn ở thời điểm này...

 

Tuy nhiên, tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước diễn ra tại Hà Nội ngày 13/3, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho rằng chính sách phân cấp đầu tư trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và quy hoạch ngành kém là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam yếu thế trước đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

 

Tạo lập vị thế

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển thương mại trong nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 và sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành bán lẻ Việt Nam đã bước đầu tạo lập được vị thế trên thị trường, góp phần xây dựng nền thương mại tiên tiến, văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.

 

Theo ông Hoàng Văn Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), có được kết quả khả quan này, yếu tố quan trọng nhất vẫn là giá cả. Điều này đã và đang thể hiện rõ trong những chiến dịch khuyến mãi rầm rộ hiện nay.

 

Đến cuối năm 2011, cả nước đã có 638 siêu thị tại 59/63 tỉnh, thành phố (tăng 12,52% so với năm 2010) và 117 trung tâm thương mại tại 32/63 tỉnh thành phố (tăng 23,15% so với năm 2010). Số lượng siêu thị thành lập mới 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO tăng hơn 20%, tương tự số lượng trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72%.

 

Ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi (theo mô hình hiện đại của các nước tiên tiến) phân bổ rộng khắp cả nước.

 

Bên cạnh sự ra đời của nhiều cơ sở bán lẻ hiện đại mới, một số cơ sở được xây dựng từ những năm trước đã và đang được cải tạo, mở rộng mặt bằng kinh doanh, nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị... làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ đất nước, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt theo hướng văn minh hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước.

 

Tuy nhiên, làm thế nào để các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt bằng, vốn, lãi suất cao, đặc biệt sự cạnh tranh gay gắt của một số doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài.

 

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Thái cho rằng bản thân các doanh nghiệp trong nước khi muốn triển khai phân phối, bán lẻ ở các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với đất đai, mặt bằng.

 

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh lại có “cảm tình” hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon CoopMart, với cơ chế chính sách thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải “tự bơi” và bơi cũng hụt hơi do các doanh nghiệp bán lẻ trong nước chưa được quan tâm nhiều.

 

Điều này có thể thấy qua các cuộc đấu giá các mặt bằng lớn, các mặt bằng đẹp đều thuộc về các công ty nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và vừa, vốn hạn chế, sức cạnh tranh yếu, cơ sở vật chất lại càng khó khăn hơn.

 

Đặc biệt, tài chính và nguồn nhân lực là hai vấn đề lớn mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước gặp phải. Do vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiện nay, Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ trước hết về tài chính và quy hoạch, cũng như đào tạo bài bản nguồn nhân lực để nâng cao kiến thức quản lý và tầm nhìn cho doanh nghiệp.

 

Bà Vũ Thị Hậu, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) tỏ ra lo lắng bởi nếu doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và họ lại được ưu tiên về mặt bằng tại các trung tâm thì doanh nghiệp trong nước khó tồn tại.

 

Vì doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính nên họ có thể đàm phán được với các nhà cung cấp về giá, chiết khấu nhiều và đương nhiên, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh.

 

Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về nghiệp vụ, chuyên môn, đa phần các doanh nghiệp trong nước không thực sự quan tâm nhiều tới các yếu tố quảng bá, trưng bày sản phẩm trong khi các doanh nghiệp nước ngoài làm điều này rất bài bản.

 

Cùng quan điểm với các doanh nghiệp bán lẻ khác, đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, cần có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương để địa phương hỗ trợ doanh nghiệp có mặt bằng phát triển.

 

Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc về các chính sách cho những doanh nghiệp tiên phong trong mở thị trường bán lẻ ở các tỉnh vùng xa.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước nên bắt tay với nhau để thay đổi chính sách kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, có vị trí trong hệ thống bán lẻ, tìm mọi giải pháp thúc đẩy sản xuất trong nước và giữ vững thị trường nội địa.

 

Bộn bề khó khăn

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, thị trường bán lẻ hiện nay là một kênh phân phối rất rộng lớn nhưng cũng rất phức tạp. Đây cũng là môi trường thuận lợi để gia tăng giá trị của hàng hóa, khâu hết sức quan trọng để thu được lợi nhuận cao.

 

Người tiêu dùng chắc chắn ủng hộ mạng lưới phân phối trong nước nhưng với điều kiện là phải phục vụ tốt với giá cả hợp lý chứ không phải hô hào với khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" khi sản phẩm xấu và đắt.

 

Để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, Bộ sẽ giao cho các vụ chức năng xây dựng văn bản pháp luật và chính sách phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ; nghiên cứu chính sách, văn bản cho phép doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ 51% số vốn điều lệ trở lên; nghiên cứu về chính sách phát triển hệ thống logistic; nghiên cứu và đưa ra các biện pháp hưởng ứng thực hiện Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chú ý đến công tác đào nguồn đội ngũ quản lý kinh doanh thương mại.

 

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng quỹ đất cho các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ; phối hợp cùng Toà án nhân dân tối cao trong các vụ án về thương mại, xử lý nghiêm khắc các trường hợp phá vỡ hợp đồng; có chính sách mở rộng, có sự liên kết giữa sản xuất và phân phối để chống thao túng thị trường của doanh nghiệp nước ngoài.

 

Tuy nhiên, để doanh nghiệp trong nước tiếp tục chiếm lĩnh thị phần bán lẻ thời gian tới, các chuyên gia cho rằng các siêu thị cần đáp ứng nhanh đòi hỏi của thị trường bán lẻ năng động và nhiều biến đổi bởi các hình thức bán lẻ hôm nay sẽ không còn phù hợp trong tương lai. Trước hết là khắc phục các căn bệnh cố hữu của thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dự đoán đến năm 2020, siêu thị sẽ chiếm lĩnh khoảng 35-40% thị phần bán lẻ ở Việt Nam. Song để phát triển bền vững và trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng, hệ thống siêu thị phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

 

Mặt khác, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phải quyết liệt thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Cùng đó, sự hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng kênh phân phối hiệu quả cho nền kinh tế, xây dựng văn minh thương mại hiện đại, góp phần bảo vệ quyền lợi và lợi ích người tiêu dùng. Đây được coi là môi trường thuận lợi để gia tăng giá trị của hàng hóa./

 

 

 

Theo TTXVN

Tệp đính kèm