Kết thúc quý I/2012, các chỉ số kinh tế vĩ mô như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp cho thấy tín hiệu tốt về lạm phát có xu hướng giảm; xuất khẩu tăng khá với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011... Thực tế này cho thấy, kinh tế quý I/2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tại cuộc giao ban với các bộ, ngành địa phương ngày 28/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, dù có đà tăng song tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 tăng thấp, chỉ đạt 4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,8% (so cùng kỳ là 2,65%). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 2,9% - với mức tăng trưởng tại lĩnh vực công nghiệp là 4% (thấp hơn so mức tăng cùng kỳ là 6,78%), xây dựng giảm 3,8% và dịch vụ tăng khoảng 5,3%.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, nếu nhìn cụ thể hơn từng tháng thì mức tăng trưởng thấp tập trung trong tháng 1, 2 và đến tháng 3 đã có xu hướng cải thiện đáng kể.
Cũng trong quý I, hoạt động xuất khẩu cũng có mức tăng cao, tốc độ nhập khẩu tăng chậm lại và nhập siêu giảm là một tín hiệu khả quan của kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Cụ thể, về xuất khẩu, quy mô xuất khẩu đã tăng cao qua các tháng: tháng 2 tăng 17,4% so với tháng 1; tháng 3 tăng 10,2% so với tháng 2. Xuất khẩu bình quân tháng trong quý I năm nay đã đạt 8,174 tỷ USD, tăng tới 23,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Do tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nên nhập siêu đã giảm. Tính chung 3 tháng, nhập siêu so với cùng kỳ năm trước đã giảm cả về kim ngạch là 251 triệu USD và cả về tỷ lệ nhập siêu là 1% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là một tín hiệu khả quan để cả năm có thể giảm mạnh nhập siêu so với mục tiêu đã đề ra (11- 12%, phấn đấu dưới 10%). Đây cũng là một tác nhân quan trọng trong cân đối ngoại tệ và ổn định tỷ giá thời gian qua.
Hơn thế, nhập siêu giảm còn có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực khác. Đó là dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng so với năm 2011- một mức tăng khá cao. Tỷ giá VND/USD tháng 1 tăng rất nhẹ (0,05%), tháng 2 giảm 0,41%, tháng 3 giảm 0,63%, tính chung 3 tháng giảm 0,99%. Ngoài ra, tốc độ tăng CPI tháng 3 chỉ tăng 0,16%, tính chung 3 tháng chỉ tăng 2,55%- đều là mức tăng thấp trong nhiều năm qua…
Cùng với đó, một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế quý I/2012 đó là thu ngân sách trên cả nước tăng cao, tính đến 15-3, thu ngân sách đạt gần 137 ngàn tỉ đồng, tương đương gần 19% dự toán năm. Thu ngân sách nhà nước quý I/2012 đạt kết quả tốt đã góp phần đảm bảo cân đối các nhu cầu chi một cách chủ động.
Đặc biệt, trong quý I/2012, tỷ giá tiếp tục ổn định, lãi suất đang có dấu hiệu giảm dần trên thị trường tiền tệ và các chỉ số vĩ mô như lạm phát, thâm hụt thương mại, bội chi ngân sách… đều có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy tình hình kinh tế đang ổn định trở lại.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực song theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong quý I/2012 nhiều ngành kinh tế trong nước vẫn gặp không ít khó khăn, điển hình là ngành công nghiệp. Trong quý I/2012, sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là ngành có tốc độ tăng chậm nhất do giá đầu vào và lãi suất tín dụng còn ở mức cao.
Tại cuộc giao ban, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT), ông Bùi Hà cho biết: “Công nghiệp chế biến khó khăn, tiêu thụ khó khăn. Doanh nghiệp giảm sản xuất và giảm đầu tư nên nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu sản xuất giảm mạnh. Điều này phản ánh tình hình sản xuất và đầu tư trong nước có biểu hiện trì trệ”.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT thì khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn liền với an sinh xã hội, trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Cùng với đó, tiếp tục có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giãn thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, tái đầu tư... có như vậy mới góp phần duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý 5,5-6% trong cả năm 2012./.
Theo Phạm Hằng/Báo điện tử ĐCSVN