Cập nhật: 16/04/2012 16:04:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đợt giảm lãi suất này sẽ giúp hạ thấp chi phí vốn cho nền kinh tế và không có nhiều tác động đến diễn biến lạm phát từ nay đến cuối năm.

Lãi suất huy động và các loại lãi suất chủ chốt vừa được Ngân hàng Nhà nước quyết định cắt giảm thêm 1%, được xem là bước đi hợp lý trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt.

 

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố việc giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi thêm 1%, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã áp dụng biểu lãi suất mới áp dụng cho vay ngắn hạn thông thường xuống còn 14,5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn còn 16%/năm; lãi suất cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán ngắn hạn là 17%/năm, trung dài hạn là 18%/năm (giảm 1%/năm). Ông Phạm Quang Tùng – Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết: “Ngay trong những ngày tới đây chúng tôi dự kiến sẽ công bố những gói tín dụng dành cho các lĩnh vực ưu tiên và những đối tượng khách hàng mục tiêu. Ngoài việc giảm lãi suất chúng tôi cũng sẽ công bố rõ số tiền để các đối tượng khách hàng tiếp cận”.

 

Theo ông Đỗ Minh Toàn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu, việc điều chỉnh 1% lãi suất huy động thời điểm này là khá hợp lý do tình hình thanh khoản của nhiều ngân hàng không còn căng như trước. Ngoài ra, điều kiện kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng lạm phát thấp trong những tháng gần đây cũng là tín hiệu tốt để có thể hạ lãi suất.

 

Ông Đỗ Minh Toàn cho biết: “Các dấu hiệu tích cực của nền kinh tế hiện nay cho thấy rằng là đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về việc giảm lãi suất xuống thấp hơn, vì vậy việc giảm lãi suất như thế này sẽ góp phần hỗ trợ thúc đẩy kinh tế của nước ta phát triển hơn”.

 

Nhận định về việc Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam từ 13% xuống 12%/năm từ ngày 11/4, ông Trần Xuân Quảng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải cho rằng: Cả ngân hàng và khách hàng đều đã chuẩn bị trước khi mức lãi suất huy động 12%/năm mà Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng. Vấn đề chính là việc các ngân hàng cần chuẩn bị đầy đủ về chất lượng và dịch vụ hiện đại để đảm bảo việc huy động nguồn vốn và ổn định thanh khoản, phục vụ sản xuất kinh doanh và cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp.

 

Nghị quyết 11 của Chính phủ nêu rõ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống nhưng phải linh hoạt. Trong quý 1, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước gỡ nút thắt thanh khoản. Hiện nay, tình hình thanh khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng được đánh giá là không căng thẳng. Thêm vào đó, tín hiệu thị trường cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng giảm, do vậy hạ thêm một bậc lãi suất cũng không có gì quá ngạc nhiên và vội vàng. Việc hạ trần lãi suất xuống 12%, là động thái tích cực nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế nước ta ổn định  phát triển, khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp đang bị đình trệ sản xuất kinh doanh./.

 

Theo Văn Hiếu/ VOV News

Tệp đính kèm