6 tháng qua, tổng thu cân đối NSNN chỉ đạt 46,7% dự toán, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2011.Trong tình hình kinh tế khó khăn, ngành tài chính đã tiến hành giãn, giảm hàng loạt loại thuế cho doanh nghiệp và người dân. Điều này sẽ giúp giải quyết khó khăn cho các đối tượng nộp thuế nhưng lại là gánh nặng cho ngành tài chính trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.
Thu ngân sách giảm mạnh
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tiến độ thực hiện thu 6 tháng đầu năm đạt khá thấp, do bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngoài ra, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, hai nguồn chính là thu nội địa và thu thuế xuất nhập khẩu đều sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước do thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Lĩnh vực thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) do ngành Hải quan quản lý, số thu cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, số thu 6 tháng đầu năm đạt khoảng 93.200 tỷ đồng, chỉ bằng 41,6% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, số thu thuế XNK và tiêu thụ đặc biệt bằng 32,9% dự toán, thuế GTGT: 43,5% dự toán… Đây là tỷ lệ thực hiện dự toán thấp nhất của ngành Hải quan trong nhiều năm qua.
Nhận xét về tình hình thực hiện thu NSNN những tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, tiến độ thu đang ở mức khá thấp so với những năm gần đây. Con số này cùng kỳ năm 2010 là 52,5% và năm 2011 là 55,1%.
Nguyên nhân sụt giảm sốt thu trong 6 tháng đầu năm là tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,38%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (tăng 6-6,5%). Nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn cũng khiến hoạt động SXKD của nhiều DN bị ảnh hưởng. Những nhóm hàng có lượng nhập khẩu lớn đã giảm mạnh về giá trị và số lượng. Trong đó, xăng, dầu giảm 21% về sản lượng và 13% về giá trị, làm giảm thu ngân sách 1.207 tỷ đồng. Ô tô nguyên chiếc giảm 60% về lượng, 54,9% về trị giá làm giảm thu ngân sách khoảng 12.295 tỷ đồng…
Hiện nợ đọng thuế của doanh nghiệp trong 6 tháng vừa qua đã tăng, từ 30.000 tỷ đồng (đầu năm) lên tới 42.000 tỷ đồng. “Việc này ảnh hưởng đến thu ngân sách đồng thời gây mất công bằng giữa người nộp thuế đúng hạn với người nợ đọng” – ông Anh Tuấn nói.
Giảm bội chi
Nửa đầu năm 2012, coi như nhiệm vụ thu ngân sách của ngành tài chính chưa hoàn thành và đặt gánh nặng lên 6 tháng còn lại. Ttheo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, mục tiêu của ngành là bảo đảm cân đối thu chi NSNN cả năm nay, vừa hoàn thành nhiệm vụ thu vừa triển khai hiệu quả các chính sách giãn, giảm thuế. Bên cạnh nhiệm vụ giảm bội chi NSNN xuống dưới mức 4,8%, ngành Tài chính sẽ đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đã bố trí trong ngân sách. Ước tính trong 6 tháng cuối năm, sẽ thực hiện giải ngân 70% kế hoạch vốn đầu tư và 74% vốn trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn này sau khi giải ngân sẽ góp phần quan trọng vào việc giải phóng tồn kho và kích thích tổng cầu.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thu nhằm chống thất thu NSNN. Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ như: chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nợ đọng thuế, các đơn vị sẽ đẩy mạnh khai thác nguồn thu tại các lĩnh vực, ngành hàng có khả năng thu đạt cao để bù đắp nguồn thiếu hụt. 6 lĩnh vực chủ yếu sẽ được ngành tài chính thực hiện nhằm tăng thu ngân sách gồm: thanh tra chống chuyển giá; hoàn thuế, khấu trừ thuế GTGT; thu thuế với lĩnh vực bất động sản, tiền thuê và sử dụng đất; chống thất thu đối với kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch; khai thác mỏ và chống thất thu với các loại hình kinh doanh qua mạng internet.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo quyết liệt xử lý vấn đề nợ đọng thuế, bù đắp phần giảm thu do miễn, giảm, giãn thuế, ví dụ quá 90 ngày kể từ ngày phải nộp thuế mà chưa nộp thì thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo pháp luật. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước, truy thu cho ngân sách./.
Theo Vũ Hạnh/VOV News