Miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế cho doanh nghiệp (DN) theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường là một trong những chính sách được triển khai khẩn trương trong hơn một tháng qua và bước đầu phát huy hiệu quả khi giúp DN bổ sung vốn lưu động bằng số tiền nộp thuế được giữ lại. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách này, một số vướng mắc, bất cập đã nảy sinh.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
1,1 tỷ đồng là tổng số tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) trong tháng 4 và tháng 5 mà Công ty cổ phần gỗ nhân tạo Tiến Phát (Bình Dương) vừa được gia hạn nộp theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ. Số thuế được giãn nộp này đã giúp công ty có vốn để thanh toán nhanh tiền mua nguyên liệu sản xuất, thay vì phải đi vay ngân hàng với lãi suất lên đến 16%/năm như hiện nay. "Sự hỗ trợ của Nhà nước dù ít hay nhiều cũng đều rất quý giá với DN lúc này", Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hoan bộc bạch với chúng tôi.
Tương tự, Công ty cổ phần sơn Ðồng Nai (Ðồng Nai), một trong những DN vừa và nhỏ cũng đã được giãn nộp tiền thuế VAT 700 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hơn 200 triệu đồng. Kế toán trưởng của Công ty Ðỗ Thị Thu Hà cho biết, công ty đã sử dụng số tiền thuế chưa phải nộp này để trả nợ ngân hàng, giúp giảm dư nợ vay ngân hàng của công ty. Mỗi tháng, bình quân công ty phải trả 100 triệu đồng lãi vay ngân hàng, cho nên dư nợ vay ngân hàng giảm thì DN càng có điều kiện giảm chi phí đầu vào. Tuy không lớn nhưng số tiền thuế được giữ lại cũng giúp DN yên tâm làm ăn, động viên, khuyến khích DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tiến Phát, sơn Ðồng Nai không phải là những DN duy nhất trên cả nước được hưởng những chính sách hỗ trợ về thuế. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ước tính có 56.100 lượt DN được giãn nộp thuế VAT với số tiền 2.271 tỷ đồng. Tại Bình Dương, tổng số thuế VAT được gia hạn cho các DN chậm nộp là hơn 673 tỷ đồng. Còn tại Ðồng Nai, có 3.425 DN được giãn 717 tỷ đồng thuế VAT. Theo Bộ Tài chính, cho đến tháng 6, cả nước đã có 135 nghìn DN làm thủ tục gia hạn thời hạn nộp thuế VAT tháng 4 và tháng 5 với tổng số tiền thuế được gia hạn là 6.800 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các DN vừa và nhỏ (chiếm 99,52% số DN và chiếm 93,46% số thuế gia hạn). Thứ trưởng Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, chính sách hỗ trợ về thuế đã đi vào cuộc sống, với số tiền thuế được nộp chậm, DN đã có thêm một khoản tín dụng với lãi suất 0% trong điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng không hề dễ dàng.
Bảo đảm công bằng trong thực hiện
Gia hạn sáu tháng nộp thuế VAT là chính sách được nhiều DN đón nhận bởi chính sách này bảo đảm công bằng cho mọi DN, không phân biệt DN làm ăn có lãi hay không có lãi. Tuy nhiên, theo Kế toán trưởng Công ty cổ phần Lasta (TP Hồ Chí Minh) Phạm Nhật Quang, mặc dù việc giãn nộp thuế VAT giúp DN có thêm được nguồn vốn, giảm áp lực về dòng tiền, nhưng đến thời điểm phải nộp thuế thì chưa chắc DN đã vượt qua giai đoạn khó khăn và lúc đó, DN lại phải tiếp tục gồng mình nộp thuế. Vì vậy, nếu Nhà nước miễn hoặc giảm thuế VAT cho DN thì tác động hỗ trợ với DN sẽ lớn hơn. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gỗ nhân tạo Tiến Phát (Bình Dương) Nguyễn Văn Hoan, có thể giảm thuế VAT từ 10% xuống 7% hoặc giãn nộp thuế VAT thêm ba tháng nữa. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã giảm giá 15% so với cùng kỳ và để có thể tiếp tục cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thì buộc DN phải tiếp tục giảm giá sản phẩm, và muốn làm được điều đó thì rất cần sự hỗ trợ thiết thực, dài hơi hơn nữa của Nhà nước để giảm chi phí đầu vào cho DN.
Nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ về thuế là một trong những nỗ lực của ngành thuế nhằm quyết tâm đưa chính sách đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế đã có trường hợp DN "dở khóc dở cười", không được hưởng chính sách hỗ trợ này chỉ vì thông tư hướng dẫn ban hành muộn. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, thời hạn nộp thuế VAT của tháng 4 chậm nhất là ngày 20-5, nhưng đến ngày 23-5-2012, Thông tư 83/2002/TT-BTC hướng dẫn việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ mới được ban hành. Do đó, những DN đã nộp thuế trước thời điểm này lại không được gia hạn. Trưởng phòng Kế toán Công ty cổ phần Dệt vải Phong Phú (TP Hồ Chí Minh) Chiêm Yến Nhi cho biết, mặc dù công ty thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế VAT, nhưng lại "trót" nộp 400 triệu đồng tiền thuế VAT của tháng 4 từ trước khi Thông tư 83/2002/TT-BTC được ban hành. Theo quy định thì công ty không được gia hạn số tiền thuế này nữa, cho dù công ty cũng phải xoay xở nhiều cách mới nộp đủ thuế. Công ty đã kiến nghị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xem xét cho chuyển số tiền thuế này thành tiền thuế thu nhập cá nhân, nhưng cơ quan thuế không chấp nhận.
Như vậy, có thể thấy, việc chậm ban hành hướng dẫn chính sách về thuế đã gây thiệt thòi cho không ít DN nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tương tự, Nghị quyết 13/NQ-CP cho phép gia hạn chín tháng thời hạn nộp đối với thuế TNDN từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước. Nhưng trên thực tế, nhiều DN dù rất khó khăn, thậm chí phải vay ngân hàng để nộp thuế nhằm không bị nợ thuế, thì đến thời điểm này do đã nộp thuế cho nên không được hưởng chính sách giãn thuế. Trong khi đó, không ít DN chây ỳ nộp thuế lại được gia hạn nộp thuế là thiếu công bằng. Ðây chính là băn khoăn của nhiều DN chấp hành nghiêm túc, tuân thủ pháp luật thuế.
Không chỉ vậy, tiêu chí DN được hưởng chính sách gia hạn, giảm thuế TNDN chưa được quy định rõ ràng, cho nên không ít DN đến thời điểm này chưa thể chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh với số tiền thuế được giảm hay gia hạn nộp. Kế toán trưởng Công ty TNHH Phát Triển (Bình Dương) Trà Văn Tâm lấy dẫn chứng, Thông tư 154/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày... Trong khi công ty có ngành nghề kinh doanh là sản xuất, gia công, kinh doanh các sản phẩm từ gỗ; khai thác, chế biến lâm sản... nhưng khi làm thủ tục kê khai thuế thì cơ quan thuế lại cho rằng, ngành nghề hoạt động của công ty là sản xuất các sản phẩm khác từ gỗ, không phải là hoạt động sản xuất, gia công, chế biến, nông sản, lâm sản... theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QÐ-TTg ngày 23-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, công ty không thuộc đối tượng được giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2011 theo quy định. Trong khi đó một công ty khác có cùng ngành nghề kinh doanh như công ty khi gửi công văn hỏi cục thuế địa phương về vấn đề này thì lại nhận được trả lời đang xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Chính vì sự không rõ ràng này mà cho đến nay công ty vẫn chưa làm được quyết toán thuế năm 2011 và số tiền 4 tỷ đồng thuế TNDN không biết có được giảm hay không, nợ thuế vẫn treo "lơ lửng" trên đầu DN. Sắp tới, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân, thì các DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày... tiếp tục được giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 và như vậy, công ty cũng chưa biết năm nay có thuộc đối tượng được hưởng chính sách này hay không.
Miễn, giảm, giãn thuế cho DN đúng đối tượng, kịp thời, chính xác đang là thách thức lớn đối với ngành thuế. Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ðình Tấn cho biết: Nhiều trường hợp DN nợ thuế TNDN từ năm 2011 trở về trước, Cục Thuế đã ban hành quyết định phạt nộp chậm thuế, truy thu thuế, cưỡng chế thuế, nhưng đến nay, các DN này theo Nghị quyết 13/NQ-CP được gia hạn nộp chín tháng nên Cục Thuế buộc phải thu hồi lại các quyết định đó, gỡ bỏ các biện pháp cưỡng chế. Riêng việc theo dõi, rà soát, kiểm tra lại những đối tượng này cũng đòi hỏi cán bộ thuế mất nhiều thời gian, công sức, nhưng đơn vị vẫn phải cố gắng, bảo đảm cho tất cả các DN thuộc đối tượng này được hỗ trợ về thuế.
Ðể chính sách hỗ trợ thuế mới được ban hành theo Nghị quyết của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Thứ trưởng Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Bộ Tài chính đang khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội theo hướng có thêm nhiều DN và cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ về thuế, cũng như bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng nộp thuế. Nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho cục thuế các địa phương triển khai, hỗ trợ kịp thời các DN và những đối tượng nộp thuế khác, bảo đảm chính sách của Nhà nước được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai và minh bạch.
Theo Nhân dân điện tử