Cập nhật: 07/09/2012 17:21:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), bảo đảm cung cấp đủ lương thực và thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người với mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70% đến năm 2050 là một thách thức lớn trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng... hiện đang bị khai thác quá mức và sử dụng lãng phí.

Cùng với tác động của thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, nước biển dâng và những tác động xấu đến môi trường do chính con người tạo ra. Đó cũng là những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị toàn cầu về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu (AFC) lần thứ 2 tại Việt Nam với chủ đề "Khát khao hành động".

 

Đại biểu đại diện cho 150 nước tham dự hội nghị đều cho rằng, phát triển bền vững ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) chính là giải pháp bảo đảm vững chắc nhu cầu lương thực, thực phẩm cả về số lượng và chất lượng trong mọi tình huống, cho một cuộc sống khỏe mạnh và góp phần cải thiện giống nòi.

 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Cao Đức Phát, sau 3 ngày làm việc tích cực (từ ngày 3 đến ngày 6-9), phiên họp trù bị của AFC lần thứ 2 đã thu được những kết quả tốt đẹp. Hội nghị đã xác định các chiến lược hiệu quả và thực tiễn gắn với việc thực hiện nền nông nghiệp thân thiện với môi trường. Đồng thời, lồng ghép mục tiêu phát triển nông nghiệp trong tương lai ứng phó với BĐKH; giải quyết những trở ngại về tài chính, chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng liên kết giữa các quốc gia, các vùng miền.

 

Hiện nay sản xuất lương thực có vị trí đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Trước hết sản xuất lương thực có ý nghĩa quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực đồng thời góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, thiên tai, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đang đe dọa sự ổn định và phát triển bền vững của nhiều quốc gia, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Việc bảo đảm an ninh lương thực và đói nghèo gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - nơi sản lượng lương thực sản xuất ra chỉ chiếm 50% trong khi dân số chiếm trên 60% thế giới. Đó cũng là những quốc gia chịu nặng nề của BĐKH, nhất là với tình trạng nước biển dâng.

 

Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng, luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, BĐKH. Chỉ tính riêng 5 năm (2007-2011), ở Việt Nam bình quân mỗi năm thiên tai làm chết 430 người, gây thiệt hại về tài sản tương đương gần 1% GDP. Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực phát triển nông nghiệp toàn diện và ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã vươn lên từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, mỗi năm Việt Nam giảm 2% hộ nghèo, ở những huyện nghèo giảm 4%. Mục tiêu, những năm tiếp theo Việt Nam sẽ xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và thâm nhập, có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào nông nghiệp, có những chính sách và chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại đối với nông dân, doanh nghiệp.

 

Như chủ đề "Khát khao hành động" của Hội nghị AFC lần thứ 2, Việt Nam mong muốn phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế ứng phó hiệu quả các tác động của thiên tai, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

 

 

Theo Đỗ Minh/Hanoimoi Online

 

Tệp đính kèm