Cập nhật: 08/09/2012 14:22:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước những thông tin gần đây về một số thương lái nước ngoài vào Việt Nam hoạt động thu gom nông thủy sản trái phép, thao túng, ép giá các mặt hàng nông sản, đẩy doanh nghiệp và nông dân vào tình cảnh khốn đốn gây bức xúc trong dư luận.

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật quy định về hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để cảnh báo cũng như đưa ra biện pháp ngăn chặn kịp thời.

 

Hậu quả từ những lợi ích trước mắt

 

Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng nông sản như vải thiều, thanh long, dưa hấu, dứa, gạo... đã bị thương lái nước ngoài mua gom, sau đó rớt giá thê thảm, xuống còn 30%-70%.

 

Điển hình là từ cuối 2011 đến đầu năm 2012 khi các thương lái nước ngoài mua gom khoai lang tại huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang tím tại địa phương được bán từ 800.000 đến 900.000 đồng/tạ.

 

Nhưng từ Quý II/2012, khi họ không tiếp tục mua khoai lang, đến nay giá khoai lang tím chỉ còn khoảng 180.000 đồng đến 190.000 đồng/tạ, việc tiêu thụ khoai đang gặp khó khăn rất lớn.

 

Đặc biệt, không chỉ ép giá, một số thương nhân nước ngoài còn yêu cầu người nông dân trộn gạo trắng với gạo thơm để họ có thể gian lận, tăng lợi nhuận.

 

Thực tế trên khiến nhiều nhà máy bị mất nguồn nguyên liệu, hoạt động cầm chừng, trong khi nông dân đổ xô đi nuôi, trồng các giống cây theo “đơn hàng ngoại” cấp tốc, khi lượng ít thì thương lái nước ngoài mua giá cao, nhưng nhiều hàng thì hạ giá hoặc quỵt nợ.

 

Những hành vi này đã vi phạm pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều người dân cũng như gây bức xúc trong dư luận.

 

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, là do nhu cầu thế giới về hàng nông sản của Việt Nam ngày càng tăng và vì lợi ích riêng nên một bộ phận thương nhân trong nước đã tiếp tay để kiếm lời.

 

Thậm chí, nhiều nông dân vì lợi ích trước mắt đã bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài và không hề biết là đang vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, không ít trường hợp hoạt động trái pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thương nhân nước ngoài thu mua nông sản ồ ạt, không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại, tạo ra đơn hàng riêng... làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

 

“Chính điều này đã tác động xấu đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên do đánh bắt, nuôi trồng, khai thác, tận thu trong thời gian ngắn bằng mọi cách, gây thiệt hại cho người sản xuất...,” ông Quyền cho hay.

 

Siết chặt khâu quản lý

 

Để xảy ra những vụ việc đáng tiếc vừa qua, theo ông Võ Văn Quyền, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Mặc dù luật pháp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất đầy đủ nhưng cơ quan quản lý tại các địa phương đã không xử lý kịp thời.

 

“Từ nhận thức đến việc tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại từng địa bàn cụ thể còn nhiều hạn chế,” ông Quyền nhấn mạnh.

 

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, về cơ bản thì đa số thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều tuân thủ pháp luật, giúp cho hàng nông sản trong nước được mua bán, trao đổi.

 

Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ núp bóng dưới hình thức du lịch vào kinh doanh chụp giật, trái phép. Do vậy, cần phân loại rõ từng đối tượng cụ thể để có chính sách hỗ trợ hoặc siết chặt công tác quản lý.

 

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, trong thời gian tới, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài tại các địa phương, đặc biệt tại địa bàn trọng điểm; tập trung công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

 

Đồng thời, Bộ sẽ sớm xây dựng và hoàn thiện các văn bản vi phạm pháp luật về quyền xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép.

 

"Bên cạnh việc tăng cường quản lý thì Bộ cũng khuyến cáo người dân khi buôn bán với thương nhân nước ngoài nên ký kết hợp đồng bằng văn bản nhằm tránh thiệt thòi về sau," bà Thoa nói.

 

Nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức trình báo chính quyền địa phương của người dân khi có thương nhân nước ngoài đến thu mua nông sản, từ đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng quản lý việc thu mua của thương nhân nước ngoài phải đúng quy định pháp luật, tránh phá vỡ các vùng quy hoạch sản xuất và chế biến trong nước.

 

Đặc biệt, để thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nông sản được vay vốn với lãi suất thấp và ổn định đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo kênh phân phối và thu mua nông sản một cách ổn định.../.

 

Một số hình thức xử phạt đối với thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam nếu kinh doanh trái phép theo quy định tại điều 16 Nghị định 06/2008/NĐ/CP:

 

- Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu.

 

- Phạt từ 30-40 triệu, trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với các hành vi Giả mạo giấy tờ, tài liệu hoặc mua hàng hóa để xuất khẩu hoặc bán hàng hóa nhập khẩu với thương nhân Việt Nam không có đăng ký kinh doanh.

 

 

Theo Vietnam+

Tệp đính kèm