Cập nhật: 12/09/2012 16:05:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do những bất ổn của tình hình kinh tế trong nước và thế giới nhưng với sự nỗ lực không ngừng, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để ổn định thị trường tiền tệ, đem lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế. Đạt được sự ổn định tích cực ấy có dấu ấn quan trọng trong công tác điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Những kết quả tích cực

 

Nhìn lại tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, có thể nói, những kết quả đã đạt được là những nỗ lực không nhỏ của toàn ngành ngân hàng. Cho đến nay, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng cơ bản được đảm bảo; các chỉ tiêu tiền tệ tiếp tục tăng phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và giảm dần tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích. Đặc biệt, lãi suất biến động giảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ là một trong những điểm nhấn quan trọng mà ngành ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua.

 

Đáng chú ý, những đợt điều chỉnh hạ lãi suất của NHNN đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp và toàn xã hội. Điển hình, lần hạ lãi suất mới đây nhất vào ngày 11/6, trần lãi suất huy động sau thời gian dài luôn ở mức cao đã được hạ xuống còn 9%/năm. Đại diện lãnh đạo NHNN cũng đã cam kết, trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dưới 12 tháng này sẽ được giữ ổn định cho tới cuối năm 2012.

 

Nhờ lần điều chỉnh lãi suất này, lãi suất cho vay VND được điều chỉnh giảm mạnh. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm. Cũng theo NHNN, mức lãi suất này là phù hợp trong điều kiện nhu cầu thế giới rất thấp, tác động nhất định tới các nước phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Đồng thời, mức lãi suất này cũng đã đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của người gửi tiền cũng như người đi vay, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng xuống thấp.

 

Đặc biệt, thực hiện đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm, hầu hết các ngân hàng trong cả nước đã nhiệt tình hưởng ứng. Theo số liệu thống kê đến ngày 30/8/2012 đối với 69 tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy: Dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 5,4%, mức lãi suất từ 10%/năm đến 13%/năm chiếm tỷ trọng 20,1%; mức lãi suất trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỷ trọng 49,7%; mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 22,7%.

 

Như vậy, cho đến nay, mức lãi suất trên 15% đã giảm khoảng 71% so với tỷ trọng trước ngày 15/7/2012. Trong đó, lãi suất giảm mạnh nhất ở nhóm 5 ngân hàng thương mại Nhà nước với tỷ trọng dư nợ cho vay với mức lãi suất trên 15%/năm là 5,8%, giảm khoảng 91% so với tỷ trọng trước ngày 15/7/201.

 

Cũng theo NHNN, trong thời gian qua, lãi suất huy động VND tương đối ổn định, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi xuống phổ biến như sau: không kỳ hạn ở mức 1-2%/năm; kỳ hạn dưới 01 tháng 2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng 8,8-9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 10-12%/năm.

 

Lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5% - 1%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế. Lãi suất cho vay USD ổn định so với tuần trước phổ biến ở mức 5-7%/năm đối với ngắn hạn; 6-8%/năm đối với trung và dài hạn.

 

Thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được cải thiện, trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống hiện ở mức dương nhẹ. Tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại đang phổ biến quanh khoảng 20.840/ 20.880 đ/USD…

 

Tiếp tục phát huy sự chủ động

 

Có thể nói, đạt được những kết quả khả quan trên đây là nhờ sự chủ động tích cực trong công tác điều hành của ngành ngân hàng. Trao đổi với báo chí mới đây về những nỗ lực trong thực thi chính sách tiền tệ của NHNN, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua của Việt Nam. “Với sự ổn định trong thời gian qua của tỷ giá hối đoái; dự trữ ngoại hối tăng; cùng với đó, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam từ bậc không ổn định lên ổn định là minh chứng cho sự lựa chọn chính sách đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, trong đó có cả Ngân hàng Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ”- Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cũng khuyến nghị, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, việc xây dựng các nguồn dự phòng ở tầm vĩ mô vẫn cần tiếp tục được thực hiện, bởi nếu không, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng lạm phát cao như trước.

 

Có thể nói, việc kiềm chế lạm phát hiện vẫn đang là mục tiêu mà Chính phủ đề ra, do đó, để tiếp tục duy trì hoạt động ngân hàng bền vững, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hiện ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục phát huy sự chủ động trong điều hành, trong đó, tích cực tăng cường theo dõi sát diễn biến lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng để từ đó kịp thời có biện pháp xử lý; chú trọng điều hành chính sách lãi suất linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện thị trường tiền tệ.

 

Cùng với đó, tích cực điều hành lượng tiền cung ứng thông qua các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến của thị trường và chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; chủ động phố hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các địa phương để phối đưa ra giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

 

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng; tăng cường công tác thống kê, phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô tiền tệ để phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN từ nay đến cuối năm và trong những năm  tiếp theo …

 

 

 

Theo Hà Anh/Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm