Theo Bộ Công Thương, nếu không có yếu tố đột biến, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm của nước ta sẽ đạt khoảng 113 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã có thêm 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (sản phẩm sắt thép, sản phẩm chất dẻo và nhóm sản phẩm túi xách, vali, mũ, ô dù), đưa tổng số những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên con số 22.
Nhiều thách thức
Trong 9 tháng 2012, xuất khẩu tăng không đồng đều trên tất cả các thị trường. Thị trường châu Á có mức tăng trưởng cao nhất, ước tăng 27,2%, trong đó Tây Á tăng đến 83,5%. Trong khi đó, khối các nước Tây Âu, Đông Âu và Bắc Âu giảm khoảng 24,1%. Sự suy giảm của nhóm thị trường này chủ yếu vẫn do giảm ở thị trường Thụy Sỹ (do không có tái xuất vàng). Xuất khẩu sang thị trường châu Phi giảm mạnh, hơn 44%, nguyên nhân chủ yếu do nước ta không còn xuất khẩu vàng sang Nam Phi.
Một số mặt hàng chủ lực như dệt may, da giầy, sản phẩm gỗ... có quy mô xuất khẩu lớn nhưng tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước đã thể hiện sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đặc biệt rơi vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thị trường tiêu thụ, đầu ra cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới vẫn nhiều khó khăn và trong ngắn hạn chưa thể phục hồi. Sức tiêu thụ ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ có khả năng giảm đáng kể, đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhất là dài hạn. Nếu trước đây phần nhiều doanh nghiệp có đơn hàng 6 tháng hay 1 năm thì nay phần đông phải "ăn đong" hợp đồng 3 tháng, 2 tháng, thậm chí 1 tháng.
Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng tăng cường các hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu, đặt doanh nghiệp Việt Nam trước nguy cơ mất nhiều thị trường lớn trên thế giới. Mặc dù hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có tính cạnh tranh cao nhưng lợi thế này đang dần mất đi khi các quốc gia khác cũng đang cố gắng cạnh tranh bằng việc cung cấp lao động giá rẻ hơn hoặc thông qua các biện pháp nâng cao năng suất tích cực hơn.
Cơ hội vẫn còn
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, lãnh đạo nhiều quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, liên tục đưa ra những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân trên thế giới, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Lãi suất VND liên tục được điều chỉnh giảm từ đầu năm 2012 và đến thời điểm này “trần” lãi suất huy động VND đã giảm xuống mức 9%. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND ổn định trong thời gian dài sẽ là một trong những yếu tố tích cực kích thích hoạt động nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh đồng USD tăng giá liên tục so với các đồng tiền khác trên thị trường thế giới.
Sự ổn định của thị trường ngoại hối với nguồn cung USD dồi dào sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra và thực hiện các giải pháp tài chính - tiền tệ chung tay cùng Chính phủ trong việc phục hồi sản xuất trong nước.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường. Cùng với việc tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường, Bộ cũng chỉ đạo các tham tán thương mại tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời phát hiện những thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội để chủ động phối hợp ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.
Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với Bộ Tài chính triển khai Nghị định số 75/2011/NĐ - CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Đồng thời Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.
Theo Báo Tin tức Online