Cập nhật: 01/11/2012 16:23:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm trong khi nhiều chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện vẫn còn thấp so với mức đề ra cho cả nhiệm kỳ. Mục tiêu tổng quát là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012.

Năm 2012 được coi là một trong những năm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu tiếp tục sa lầy mà lối thoát thì chưa thực sự rõ ràng, kinh tế Mỹ, Nhật Bản đều không mấy khả quan. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil ... đều không còn giữ được phong độ tăng trưởng lạc quan như khoảng 3 – 5 năm trước.

 

Nhìn chung là tăng trưởng kinh tế chậm lại, thất nghiệp tăng cao, sức mua hạn chế, nợ công nhiều hơn. Đã có một số chuyên gia cao cấp ở một số lĩnh vực đưa ra dự báo về kinh tế thế giới năm 2013 và đều nhận định là không mấy khả quan so với năm 2012, thậm chí còn có một số dự báo cho rằng khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ lên tới đỉnh điểm vào năm 2013. Dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế thì cho rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Nhật Bản thấp hơn năm 2012 còn đối với Trung Quốc và các nước ASEAN thì chỉ tăng cao hơn một chút. Quan hệ về đầu tư và xuất nhập khẩu của các nước với Việt Nam về cơ bản chưa có gì khởi sắc.

 

Tổng quan về kinh tế năm 2012

 

Đối với Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng một cách hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2012 được thể hiện ở một số điểm dưới đây:

 

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - lạm phát đã giảm mạnh so với năm 2011 (đặc biệt trong hai tháng 6 và 7 có mức tăng trưởng âm). So với tháng 12 năm 2011. chỉ số CPI 9 tháng đầu năm 2012 tăng khoảng 5%.

 

Tỷ giá hối đoái ít thay đổi.

Thị trường vàng không ổn định, tăng giảm bất thường.

Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm.

Cán cân thanh toán quốc tế trong 9 tháng ước thặng dư khoảng8 tỷ USD.

Lao động, việc làm trong 9 tháng đầu năm 2012 ước giải quyết được khoảng 1.165 nghìn lao động, tăng khoảng 3,3% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 72,8% kế hoạch năm 2012.

 

Số doanh nghiệp mới thành lập trong khoảng 10 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 46.000 doanh nghiệp (giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2011.

 

Số doanh nghiệp đã giải thể và dừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2012 là hơn 35.483 doanh nghiệp (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2011).

 

Thu NSNN tính đến 15 tháng 8 năm 2012 đạt 418 nghìn tỷ đồng (56,5% dự toán, tăng 1,7% so cùng kỳ 2011)

Chi NSNN tính đến 15 tháng 8 năm 2012 đạt 534 nghìn tỷ đồng (59,1% dự toán tăng 18,6% so cùng kỳ 2011).

Tổng đầu tư xã hội ước 9 tháng đầu năm 2012 đạt 708,6 nghì tỷ đồng, bằng 35,2% GDP và tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2011.

Xuất khẩu 9 tháng 2012 ước đạt 82 tỷ USD (tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2011). Nhập khẩu ước đạt 82,5 tỷ USD (tăng 5% so cùng kỳ năm 2011). Như vậy nhập siêu khoảng 0,5 tỷ USD.

 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong 8 tháng đầu năm 2012 đạt 8,5 tỷ USD, bằng 66,1% cùng kỳ năm 2011. Đầu tư trực tiếp thực hiện 8 tháng đầu năm 2012 đạt 7,28 tỷ USD, bằng 99,7% cùng kỳ năm 2011.

 

Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% thì năm 2012 sẽ là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam không đạt kế hoạch như đã dự kiến.

Từ đó, có thể tạm nhận xét rằng các chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô về cơ bản có phát huy tác dụng, mức lạm phát đã giảm và kinh tế vĩ mô giữ được ở mức khá ổn định trong tầm ngắn hạn. Mức lạm phát cả năm có nhiều khả năng kiềm chế được ở mức một chữ số. Tuy nhiên, nếu xét về trung và dài hạn thì kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường.

 

Dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013

 

Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm trong khi nhiều chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện vẫn còn thấp so với mức đề ra cho cả nhiệm kỳ. Mục tiêu tổng quát là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012.

 

Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách Nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7 – 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP. Bảo đảm an toàn nợ công. Cố gắng bảo đảm các chỉ tiêu về việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

 

Diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2013 là một trong những năm không dễ dự báo nếu chỉ căn cứ vào những diễn biến tình hình thực tế của năm 2012 và các yếu tố tác động khác sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.

 

Đã có nhiều ý kiến dự báo kinh tế vĩ mô năm 2013. Song theo dự báo của chúng tôi thì mức tăng trưởng còn tiếp tục gặp khó khăn, nhiều khả năng mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt ở mức 4 – 5%.

 

Nếu phân tích và đánh giá một cách toàn cục thì những khó khăn kinh tế hiện nay về cơ bản là do sự tích tụ những mâu thuẫn kéo dài từ nhiều năm, vì thế mà việc tìm kiếm các giải pháp để cùng đồng thời thoả mãn cả mục tiêu trước mắt lẫn lâu dài thật sự không đơn giản. Cần phải có một cách nhìn đại cục, dài hạn để giải quyết vấn đề.

 

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn ẩn chứa những nguồn lực lớn. Nếu Nhà nước có chính sách khai thác tốt, các mục tiêu về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sẽ có nhiều khả năng sáng sủa hơn. Đó là luợng kiều hối từ nước ngoài chuyển về cho thân nhân trong nước ước tính khoảng trên 10 tỷ USD vẫn được dự báo tiếp tục chuyển về ngay cả trong lúc kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn.

 

Mặt khác, theo một số ước tính có cơ sở khoa học thì lượng vàng trong dân còn khá lớn. Theo tính toán bước đầu, lượng vàng nhập khẩu ròng của Việt Nam trong 20 năm (tính từ năm 1990 đến năm 2011) vào khoảng 500 tấn, tương đương 28 tỷ USD theo thời giá hiện nay.

 

Ngoài ra còn lượng vàng được tích luỹ dưới nhiều hình thức như vàng nữ trang, vàng miếng ... từ nhiều đời nay trong mọi tầng lớp nhân dân, chắc chắn tổng giá trị tính bằng USD của khối dự trữ vàng trong dân hiện nay không dưới 40 tỷ USD.

 

Thực sự là trong bối cảnh nguồn vốn khan hiếm hiện nay của đất nước, nếu chính sách đối với vàng đúng đắn thì nguồn lực này có thể ví như một phao cứu sinh đối với thời điểm hiện nay. Tiềm năng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2013 có rất nhiều khả năng bị phụ thuộc đáng kể vào cách thức triển khai trên thực tế việc thực hiện “đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế”. Xét về bản chất, đây chính là nhiệm vụ mang tính dài hạn và năm 2013 Nhà nước cần có lộ trình triển khai từng bước sao cho hợp lý và khoa học hơn.

Dự báo việc xử lý nợ xấu ngân hàng trong năm 2013 sẽ nhanh chóng có được giải pháp hiệu quả. Công ty mua bán nợ cần có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, không nên khép kín trong hệ thống tài chính tiền tệ.Nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay đã ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (khoảng 8,6%). Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu sẽ phải lường đón những phản ứng phụ phát sinh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng năm 2013.

 

Đi đôi với đó là việc tái cấu trúc các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước để các doanh nghiệp sản xuất có được sức cạnh tranh, có công nghệ tiên tiến, có lao động lành nghề - đây chính là giải pháp dài hạn mà Nhà nước đang đặc biệt quan tâm từ nay sang năm 2013.

 

Việc mua bán, sáp nhập, tái cơ cấu toàn bộ hệ thống ngân hàng nhằm minh bạch và lành mạnh hoá hệ thống cũng là chủ đề được rất nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm và dự báo sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm 2013.

 

Đối với thị truờng bất động sản thì dự báo vẫn tiếp tục trầm lắng và chưa tìm được hướng đi rõ ràng trong năm 2013. Vì vậy, trong năm 2013 và những năm tiếp theo để giúp thị trường bất động sản phát triển cần phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ngành Ngân hàng cần tập trung vào một số nội dung : Giải quyết bài toán kỳ hạn của luồng vốn đầu tư cho bất động sản.

 

Nhu cầu về nhà ở cho 89 triệu người dân Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên cầu có khả năng thanh toán theo mặt bằng giá bất động sản hiện nay là hạn chế, vì vậy cần có sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính khác cho người dân.

 

Nhu cầu vốn cho các nhà đầu tư và nguời mua nhà trên thị trường thường có thời hạn dài, trong khi đó, các ngân hàng lại thiếu các nguồn vốn dài hạn để đáp ứng cho các nhu cầu này, do đó cần có những công cụ tài chính để chuyển các khoản vốn tài trợ ngắn hạn thành vốn trung, dài hạn. Các công cụ mà các nước thường áp dụng là thành lập các Quỹ tiết kiệm về nhà ở và hình thành Cơ quan tái thế chấp nhà ở quốc gia.

 

Đối với thị trường chứng khoán thì trong năm 2013 vẫn tiếp tục trầm lắng và gặp nhiều khó khăn, chưa có hướng đi rõ ràng vì hầu hết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khoa khăn. Có thể nói đây chính là mảng tối nhất trong kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013.

 

Có thể nói cho dù gặp rất nhiều khó khăn và khối lượng công việc phải làm trong năm 2013 đang còn rất lớn. Nhưng nhìn chung về trung, dài hạn thì cơ hội tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế đang ở thời điểm chín muồi. Có những cơ sở để hy vọng và tin tưởng rằng năm 2013 sẽ là năm tuy còn gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, song cũng là năm cả nước vượt khó đi lên, mở ra thời kỳ tăng trưởng mới trong một mô hình tăng trưởng kinh tế mới.

 

Tiến sĩ.Trần Văn Hùng

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm