Cập nhật: 22/03/2013 15:18:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2012 đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011.

Đóng góp lớn nhất cho con số này, xét theo nhóm ngành, là kinh doanh thương nghiệp chiếm tỷ trọng 77%, tương đương gần 1,8 triệu tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn vào những con số, vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ phát triển thị phần. Nhưng đi vào hoạt động của từng doanh nghiệp thì khó khăn là không nhỏ. Đây là một thực tế đòi hỏi nỗ lực của từng doanh nghiệp.

 

Gồng mình giữ thị phần là cách nói của một doanh nhân trong ngành bán lẻ khi nói về nỗ lực mở thêm điểm bán của doanh nghiệp mình. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu như hiện nay, mở thêm một điểm bán hàng mới đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí để nuôi điểm bán đó trước khi có lãi. Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam - chủ nhân chuỗi siêu thị Fivimart - Vũ Thị Hậu cho biết: công ty dự định mở thêm điểm mới trong năm nay, nhưng để làm được thì phải nỗ lực rất nhiều, phải cân đối kỹ các phương án chi tiêu cần thiết.

 

Sự gồng mình ấy bắt nguồn từ một thực tế: doanh nghiệp bán lẻ trong nước - dù lực yếu - vẫn tiếp tục đối mặt với sức ép của cạnh tranh từ bên ngoài, không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ tổng hợp như siêu thị, trung tâm thương mại mà cả những doanh nghiệp bán lẻ chuyên biệt cũng đang phải cạnh tranh khá vất vả với những đối thủ danh tiếng từ bên ngoài. Sự tham gia của thương hiệu Starbuck vào thị trường bán lẻ cà phê mới đây là một ví dụ. Do đó, nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà phân phối với nhau, nhà phân phối với nhà sản xuất nhằm mở rộng địa bàn phân phối thì doanh nghiệp trong nước khó lòng trụ vững. Phó giám đốc siêu thị Vinatex mart phía bắc - Nguyễn Thanh Tú cho biết: Vinatex đã hợp tác với các nhà sản xuất để sản xuất những mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đưa hàng hóa về tận vùng nông thôn.

 

Theo phân tích của các chuyên gia thương mại, kinh tế khó khăn trên toàn thế giới suy cho cùng cũng đem lại cho doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước những cơ hội nhất định. Cụ thể, đó là việc doanh nghiệp nước ngoài tạm thời giảm đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ. Đây là cơ hội cho các nhà phân phối, bán lẻ trong nước phấn đấu hoàn thiện mình, chuyên nghiệp hóa hoạt động phân phối bán lẻ để nâng cao sức cạnh tranh, nắm bắt cơ hội khi kinh tế phục hồi. Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn chia sẻ kinh nghiệm: để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp nên chuyên nghiệp hóa trong hoạt động bằng cách nâng cao trình độ nhân lực, hướng đầu tư. Nên tập trung đầu tư vào giá trị cốt lõi của mình, tránh đầu tư dàn trải vì vừa không đủ năng lực kinh tế vừa không đủ năng lực quản trị để quản lý những lĩnh vực đó.

Theo đại diện của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, trong điều kiện hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ và các nhà hoạch định chính sách bán lẻ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định lựa chọn hướng phát triển, cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, khả năng quản lý, điều kiện con người để đầu tư, nếu không sẽ chỉ là duy ý chí.

 

Theo thống kê mới nhất, trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 422,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2012 (nếu trừ trượt giá, còn tăng khoảng 3,6%). Với đà tăng này, nếu giữ được niềm tin của đối tác và người tiêu dùng thì năm 2013 vẫn còn không ít cơ hội cho các nhà phân phối bán lẻ trong nước.

 

 

Theo Thu Thùy/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm