Cập nhật: 30/04/2013 15:04:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Phát triển một cách bền vững, tương xứng với tiềm năng là nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản hiện nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về diện tích và đối tượng, mô hình nuôi, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

 

Đặc biệt, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng ngày càng tăng cao, năm 1980 cả nước chỉ có 262.000 ha mặt nước được đưa vào nuôi trồng thủy sản, với sản lượng chưa đầy 200 nghìn tấn/năm. Sau khoảng 30 năm, diện tích này đã mở rộng lên hơn một triệu ha, nhờ đó, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng ngày càng tăng cao.

 

Cụ thể, kết thúc năm 2012, sản lượng thủy sản đạt 5732,9 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2011, trong đó, cá đạt 4343,7 nghìn tấn, tăng 5,3%; tôm đạt 632,7 nghìn tấn, tăng 0,3%. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2012 ước tính đạt 1059 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi cá tra là 11,5 nghìn ha, tăng 3,4%; diện tích nuôi tôm sú 599,2 nghìn ha...

 

Trong 4 tháng đầu năm 2013, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1561 nghìn tấn, tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 687,3 nghìn tấn, giảm 2,7%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 873,7 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2012. Hoạt động khai thác nhờ thời tiết, ngư trường khá thuận lợi kết hợp với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nên ngư dân tích cực bám biển, sản lượng đạt khá.

 

Bên cạnh đó, nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Đáng chú ý, cá biển đã được xác nhận có hơn 2000 loài khác nhau, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Dọc ven biển còn có hàng chục vạn héc-ta mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ.

 

Mặc dù có nhiều thuận lợi và có tiềm năng lớn, song ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian qua cũng đã phải đối mặt với không ít thách thức như: dịch bệnh, con giống, môi trường và vốn vay cho sản xuất cũng như các rào cản kỹ thuật trong tiến trình hội nhập. Ngoài ra, phương tiện, kỹ thuật đánh bắt xa bờ qui mô còn nhỏ, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định. Đặc biệt, biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập (đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long) ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn lợi thủy sản...

 

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 kinh tế thủy sản đóng góp 30-35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 đến 10%/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD.

 

Để đạt được mục tiêu này, đồng thời để ngành thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng đòi hỏi cần có nhiều giải pháp quyết liệt. Theo Bộ NN&PTNT, cần tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch lại diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh, tiếp tục đa dạng hóa đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro; đồng thời cần đẩy mạnh triển khai áp dụng VietGAP trên quy mô toàn quốc, mở rộng cho các đối tượng nuôi mới. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng mở rộng diện tích thâm canh, có năng suất cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện môi trường và kinh tế - xã hội ở các vùng nuôi.

 

Bên cạnh đó, ngành thủy sản cần ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung thâm canh, khép kín kết hợp với công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học và chế biến sản phẩm để nâng cao chất lượng thủy sản, góp phần thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường hoạt động đội ngũ cán bộ khuyến ngư, thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, giống thủy sản để khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh.

 

Đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cần kiểm soát tốt về chất lượng; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả và giảm tổn thất sau thu hoạch bảo đảm chất lượng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng với đó, cần khuyến khích hoạt động xa bờ theo hình thức tổ - đội sản xuất khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển mạnh ngành thủy sản…/.

 

 

 

Theo Phạm Hằng/Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm