Mạnh tay kiểm tra, kiểm soát thị trường thì hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng có phần lắng xuống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để giải quyết tận gốc thì phải "sạch" ngay từ bộ máy chống buôn lậu.
Dẹp mãi vẫn chưa yên
Tại buổi tọa đàm thực hiện chỉ thị 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Công Thương tổ chức sáng 8/5, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho biết, sau hai tháng mở đợt cao điểm kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể là phần lớn các loại mũ không có nguồn gốc, mũ không hợp chuẩn, mũ không dấu CR, không nhãn hàng hóa đã giảm hẳn trên các điểm bán cố định và địa điểm kinh doanh lớn.
Quan trọng hơn là nhận thức của người dân cũng thay đổi trước các thông tin cơ quan kiểm tra tạm giữ nhiều mũ không hợp chuẩn, không có nguồn gốc trên thị trường và tin tức về các vụ tai nạn giao thông do đội mũ kém chất lượng.
Tuy vậy, ông Hùng cũng thừa nhận việc xử lý vẫn chỉ giải quyết ở phần ngọn, việc bày bán mũ bảo hiểm giá rẻ, kém chất lượng vẫn còn diễn ra trên các vỉa hè vào buổi chiều tối, ngoài giờ hành chính khi thiếu vắng các lực lượng chức năng.
"Việc kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trở nên quá tải so với lực lượng quản lý thị trường, mức xử phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe," ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường chia sẻ.
Báo cáo của Ban chỉ đạo An toàn giao thông quốc gia cũng cho thấy, số người đội mũ bảo hiểm tại các thành phố lớn rất cao nhưng không ít trong số đó là mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Cụ thể, sau 5 năm vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ đội mũ đạt 90%. Tuy nhiên, trong đó có tới 70% là mũ giả mà các cơ quan chức năng vẫn đang "lúng túng" chưa biết phải xử lý thế nào.
"Câu chuyện mũ bảo hiểm vẫn đang nóng, sẽ nóng và tiếp tục nóng," ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông nói.
Cần "sạch" từ nội bộ
Theo ý kiến của nhiều đại biểu tham gia tọa đàm, việc ra quân xử lý thời gian qua mới giải quyết được phần ngọn, trong khi vấn đề cốt lõi là quản lý từ nơi sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh vẫn chưa xử lý được.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu thẳng thẳn cho ra rằng, bên cạnh việc kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán các loại mũ bảo hiểm dởm thì cần làm "sạch" ngay từ nội bộ.
Ông Bảo minh chứng, nếu chỉ cần có bóng dáng lực lượng chức năng thì "êm" nhưng sau đó thì lại đâu vào đấy coi như nhờn thuốc.
"Nếu công an và quản lý thị trường bảo kê thì làm sẽ không thành công do vậy thái độ xử lý cần kiên quyết, cần làm rõ ranh giới và trách nhiệm của cơ quan thực thi như thế nào," ông Bảo nêu ý kiến.
Đồng quan điểm này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cũng nhấn mạnh, không thể quy trách nhiệm cho người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng mà phải làm từ gốc, đó là kiểm soát chặt từ nơi nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh.
Đặc biệt, một cách làm hay và cần nhân rộng mà quận Hai Bà Trưng đang làm là xây dựng tuyến phố Huế "sạch" với sự cam kết từ chính các doanh nghiệp trong việc kinh doanh mặt hàng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn.
Kết quả sơ bộ, sau gần một tháng (từ ngày 12/4) đã có những chuyển biến rõ rệt. Theo ông Nguyễn Huy Cương, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo 127 quận Hai Bà Trưng, việc kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng trên tuyến phố trên gần như được đẩy lùi, thậm chí việc bày bán cũng khoa học và thuận tiện cho người tiêu dùng có thể chọn lựa các loại mũ bảo hiểm nhập khẩu hoặc trong nước sản xuất.
"Chủ cửa hàng cũng đã hướng dẫn cho khách hàng phân biệt mũ bảo hiểm dùng cho người đi môtô, xe máy đúng quy chuẩn và đảm bảo an toàn," ông Cương nói./.
Theo vietnamplus.vn