Nhiều ngành hàng thiết yếu khác không cần quỹ bình ổn mà vẫn...ổn.
Đại diện Công ty Hóa dầu Quân đội cho biết: DN chính thức tham gia thị trường và Quỹ Bình ổn giá (BOG) từ năm 2008. Thế nhưng đến giờ, chưa khi nào Quỹ BOG dư, hiện tại âm 26 tỷ. DN phải vay NH để bổ sung quỹ. “Dư luận cho rằng, để quỹ này ở DN dễ bị lạm dụng. Thế nhưng những năm qua quỹ âm thì lạm dụng cái gì?” – đại diện DN nói.
Theo đại diện DN này, cần phải tính toán lại cách trích quỹ để làm sao không phải tính vào giá, bớt một ẩn số cho DN khi tính toán kinh doanh.
Từ thực tế này, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất nên bỏ Quỹ BOG xăng dầu vì khi thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán xăng dầu và người dân chấp nhận giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường thì việc lập quỹ bình ổn là không cần thiết.
Bên cạnh đó, việc bỏ quỹ sẽ làm giảm bớt và ổn định các yếu tố cấu thành giá bán, làm minh bạch giá bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, theo đề xuất của Hiệp hội, nếu sử dụng hữu hiệu nguồn dự trữ lưu thông xăng dầu trong 30 ngày cũng là một biện pháp ổn định giá xăng dầu.
Hiệp hội cho rằng, nếu Quỹ bình ổn tiếp tục được duy trì và Nhà nước tiếp tục sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ điều tiết giá bán lẻ thì khi giá xăng dầu thế giới giảm, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng cách thời gian và số lần giảm.
Cũng theo Hiệp hội, nếu vẫn giữ Quỹ BOG thì nên đổi tên quỹ thành Quỹ dự trữ tài chính. Trong trường hợp này, Thủ tướng sẽ ban hành quyết định riêng quy định nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ. Việc hình thành quỹ, theo đề xuất của Hiệp hội có thể lấy từ 2 nguồn: trên cơ sở tăng chi phí định mức, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trích 0,5% doanh số để trích lập quỹ (tương đương 130 đồng/lít xăng); hoặc trích lập một khoản lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.
Theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, liên Bộ Tài chính –Công thương, hướng dẫn sử dụng quỹ BOG chưa đến nơi đến chốn. Thời gian tới Thủ tướng cần có qui định rõ ràng để căn cứ vào đó thực hiện. Bình ổn giá là để giá lên xuống không vượt quá biên độ mong muốn. Chúng ta đang hiểu sai về quỹ bình ổn. Các cơ quan đang lạm dụng quỹ bình ổn làm cho giá biến động, méo mó. Hầu hết chuyên gia đề nghị bỏ quỹ bình ổn. Thực tế, có nhiều mặt hàng thiết yếu khác không cần quỹ bình ổn mà vẫn...ổn.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu tự lực 1 cho rằng, nên bỏ Quỹ BOG. “Nhiều lần họp Hội đồng Nhân dân, cử tri hoài nghi về tính minh bạch và cho rằng không nên tồn tại quỹ này. Các ngành khác cũng không có quỹ này mà người ta vẫn bình ổn tốt. Thực tế kinh doanh có lúc trích được quỹ, có lúc không. Quỹ âm thì ảnh hưởng rất lớn đến DN đầu mối. Ngoài ra, việc sử dụng, quản lý quỹ ở DN đầu mối được cho là minh bạch nhưng bên ngoài lại bảo không. Chúng ta đang mất thời gian không cần thiết để tranh cãi câu chuyện này” – ông Tiu nói./.
Theo Vũ Hạnh/VOV online