Cập nhật: 03/06/2013 09:19:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làm thế nào để tiêu thụ nông sản cho nông dân là vấn đề đang được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Tỉnh Thái Bình là địa phương có thế mạnh trong sản xuất lúa. Để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ lúa hàng hoá cho nông dân, Công ty TNHH Hưng Cúc đã thực hiện thí điểm mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Hưng Cúc là một công ty chuyên sản xuất, chế biến và cung cấp các loại gạo ngon của tỉnh Thái Bình. Ngoài ngành nghề kinh doanh chính là thu mua, xay xát và sản xuất bột thô, thức ăn gia súc; bán buôn, bán lẻ và xuất khẩu lương thực; trồng lúa, ngô và các cây lương thực có hạt khác, cây giống, Công ty còn tham gia một số hoạt động khác như chương trình bình ổn giá thị trường lương thực trên địa bàn Tỉnh; tham gia mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp...

 

Doanh nghiệp vào cuộc

 

Để hỗ trợ nông dân sản xuất được những sản phẩm hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, năm 2009, Công ty TNHH Hưng Cúc đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả giống lúa thuần T10 của Viện Lương thực và thực phẩm. Đây là một giống lúa có chất lượng cao, hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Để đưa giống lúa này vào thực tiễn sản xuất, Công ty đã ký hợp đồng cấy giống lúa T10 với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tây Tiến (huyện Tiền Hải) với diện tích 60 ha, đồng thời thu mua bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu gạo để xuất khẩu.

 

Theo ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc, thời gian gần đây, thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều với sức tàn phá ngày càng lớn, dịch bệnh diễn biến khó lường. Trong khi đó, khi nông dân được mùa, thì giá bán nông sản lại thường không cao, sản phẩm bán cho thương lái quá rẻ, thậm chí nhiều khi vẫn khó tìm được người mua. Lợi tức của nông dân ngày càng giảm khi sản lượng ngày càng tăng. Cả nông dân và Nhà nước đều thấy rõ làm tăng sản lượng thì không khó, nhưng làm tăng lợi tức thì rất... lúng túng.

 

Để góp phần giải quyết vấn đề trên, được phép của Sở Công thương Thái Bình, năm 2011 Công ty TNHH Hưng Cúc đã triển khai ký hợp đồng giao khoán xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp với mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân. Theo đó, Công ty đã tiến hành ký hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tây Tiến và triển khai đến 137 hộ nông dân với diện tích gieo cấy là 60 ha. Đây là một mô hình mới ở Thái Bình. Theo ông Lý Thái Hưng, một nông dân chỉ có thể sản xuất theo kiểu tự cấp thì được, nhưng muốn sản xuất hàng hoá thì phải kết hợp nhau lại để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm và giá cả phải cạnh tranh. Việc xác định mặt hàng nào cần sản xuất phải được thị trường chấp nhận; không thể dựa vào mắt thấy láng giềng bán được rồi mình cũng bắt chước sản xuất theo. Do vậy, có thể nói đây là một mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn hiện nay.

 

Nông dân yên tâm sản xuất

 

Thực tiễn triển khai mô hình này của Công ty TNHH Hưng Cúc cho thấy, để mô hình phát huy hiệu quả tối ưu, Công ty đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức thương mại trong nước, hệ thống pháp luật về cơ chế chính sách tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia mô hình; tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản trị kinh doanh, cách soạn thảo ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản;… Sau tập huấn, Công ty này phối hợp với Sở Công thương Thái Bình tổ chức cho đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác. Mặt khác, trong suốt chu kỳ thực hiện mô hình, Công ty thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống giúp đỡ các hộ gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản lúa hàng hoá sau thu hoạch. Cùng với quá trình này, Công ty cũng đã hỗ trợ ứng trước cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tây Tiến 400 triệu đồng nhằm tháo gỡ về vốn để hợp tác xã chủ động mua vật tư nông nghiệp cung ứng cho hộ nông dân tham gia mô hình. Trên diện tích 60 ha xây dựng mô hình thí điểm, thông qua Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tây Tiến, Công ty đã thu mua được 227.283 tấn lúa hàng hoá chất lượng với trị giá 1.679,5 triệu đồng.

 

Từ kết quả trên cho thấy, khi tham gia mô hình trên, người nông dân trong quá trình canh tác không lo mua phải phân bón, thuốc trừ sâu giả. Đối với doanh nghiệp thì kiểm soát được chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu. Với năng suất lúa hàng hoá tăng, chất lượng tốt, được doanh nghiệp bao tiêu thu mua toàn bộ nông sản nên nông dân yên tâm sản xuất và thu nhập ngày càng tăng. Đồng thời, khi tham gia mô hình, người nông dân nâng cao được kiến thức thâm canh, tăng năng suất; doanh nghiệp tạo được vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, chất lượng cao, được bạn hàng trong và ngoài nước đánh giá cao và liên tục ký hợp đồng mua gạo. Hiện, gạo của Công ty TNHH Hưng Cúc được tiêu thụ trong nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và xuất khẩu sang Trung Quốc với lượng cung ứng mỗi năm gần 20.000 tấn.

 

Năm 2012 vừa qua, Công ty TNHH Hưng Cúc đã triển khai ký hợp đồng theo mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân với trên 10 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và tiếp tục nhân rộng mô hình, để từ năm 2013 trở đi, Công ty ổn định vùng nguyên liệu thu mua, trong đó phấn đấu riêng lượng xuất khẩu khoảng 10.000 tấn mỗi năm. Hiện, Công ty triển khai xây dựng dự án nhà máy xay xát chế biến lương thực và nông sản có công suất 100.000 tấn/năm trên diện tích 25.000 m2 tại cụm công nghiệp Xuân Quang, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng; nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2013.

 

 

 

Theo dangcongsan.vn

Tệp đính kèm