Việc quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong thành phố Hà Nội còn nhiều bất cập…
Hiện nay, tại Hà Nội có hơn 400 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, 380 chợ đã được phân hạng, cùng với đó là hàng trăm siêu thị đang hoạt động. Tuy nhiên, việc quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong thành phố còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh để các chợ hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Chợ cóc, chợ tạm phát triển rất mạnh
Thực tế cho thấy, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay chỉ thu hút một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế khá giả. Còn đối với phần lớn dân cư trong thành phố, chợ là nơi có thể mua thực phẩm với giá phải chăng, điều mà họ khó tiếp cận trong hệ thống siêu thị mới. Các trung tâm thương mại và siêu thị hiện nay xét về góc độ nào đó không có sức hấp dẫn với người tiêu dùng đại trà như chợ cóc, chợ tạm. Bởi các chợ cóc, chợ tạm nguồn hàng trôi nổi, không kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tem mác, nên giá cả thấp.
Với sự tiện dụng của chợ truyền thống, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty thương mại Hà Nội cho rằng, những chợ nào đã được hình thành và gắn với yếu tố lịch sử thì cần quy hoạch lại cho hợp lý, việc loại bỏ chợ là không thể, bởi chợ gắn với văn hóa địa phương, gắn với văn hóa truyền thống. Còn chợ cóc, chợ tạm thì cơ quan chức năng cần giám sát và quản lý chặt chẽ cả về hoạt động và chất lượng hàng hóa nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
“Hiện nay, tình trạng chợ cóc, chợ tạm phát triển rất mạnh, do nhu cầu thực tiễn của đời sống hàng ngày, việc hình thành chợ cóc chợ tạm, ngoài nhu cầu bức thiết của người dân khu vực là còn do sự quản lý của chính quyền chưa đủ mạnh. Loại chợ này ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu thị trường trong nước, gây ách tắc giao thông, không kiểm soát được chất lượng, giá cả, nhãn mác, gây thất thoát cho cả nhà nước lẫn người tiêu dùng. Do vậy, việc quy hoạch lại hệ thống chợ dân sinh, chợ đầu mối để khắc phục chợ tạm, chợ cóc đang phát triển tràn lan, kể cả trên các đường phố là một yêu cầu cấp thiết cần phải làm...”. - ông Nguyễn Hữu Thắng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, về mặt phát triển đô thị, chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của các siêu thị, bởi đây là nơi phục vụ văn minh, hàng hóa đảm bảo chất lượng, phù hợp với vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, ở góc độ dân sinh, chợ vốn là một hạ tầng xã hội tất yếu và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị. Để tạo thuận lợi cho người dân giao lưu buôn bán, mua sắm, theo định hướng cải tạo và phát triển chợ, Hà Nội sẽ không xây mới chợ ở khu vực nội thành mà cải tạo các chợ truyền thống thành chợ đa năng.
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết việc phát triển siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội cho đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, một số chợ sau khi chuyển đổi, nâng cấp đều rất vắng khách, điển hình là chợ Hàng Da, Cửa Nam, Ô Chợ Dừa... Nguyên nhân của tình trạng này là quy hoạch và thiết kế các chợ chưa phù hợp với thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng. Mô hình kết hợp giữa chợ truyền thống và siêu thị, trung tâm thương mại phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cả người mua và người bán, phương tiện ra vào chợ dễ dàng. Với hàng loạt chợ cóc, chợ tạm xuất hiện tràn lan thì cần rà soát và đánh giá cụ thể.
Theo ông Chiến, “hiện đa số chợ đã được quy hoạch theo quy hoạch chung của Bộ Công Thương cũng như của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những chợ tự phát nằm ngoài quy hoạch. Phải rà soát lại quy hoạch chợ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu chợ nào nằm ngoài quy hoạch nhưng thực sự cần thiết cho dân, nhu cầu của dân ở đó, rất cần chợ đó và chợ hoạt động rất hiệu quả thì Sở Công Thương cần phối hợp với các sở ban ngành chức năng, xem xét đề xuất với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bổ sung vào dự án quy hoạch chợ....”.
Công tác quy hoạch chợ chưa tốt
Theo Bộ Công Thương, quá trình phát triển chợ, siêu thị tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung còn nhiều hạn chế, cần sớm khắc phục. Số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bố không đều do công tác quy hoạch chưa tốt. Điều này lý giải vì sao có một số chợ cũ, nhỏ nhưng lại hút khách, ngược lại có chợ to, mới xây mà lại vắng khách. Các hoạt động quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự, vệ sinh chung của chợ có nơi chưa được duy trì thường xuyên, khi phát sinh lại chậm được khắc phục.
“Thời gian tới, chúng tôi cùng với các bộ ngành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục gắn phát triển chợ với các chương trình khác, tiếp tục gắn với Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thương mại nông thôn; gắn với việc các chợ về vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với các tiêu chí của chợ về phát triển nông thôn mới; Tiếp tục chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn” để hàng Việt chiếm lĩnh được trong chợ truyền thống. Chợ truyền thống sẽ là nơi để lưu thông hàng hóa, cạnh tranh được với mô hình thương mại khác như mô hình siêu thị, trung tâm thương mại…” - Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết.
Để mô hình chợ, siêu thị hoạt động hiệu quả và tạo thuận lợi cho người dân tham gia trao đổi, mua bán hàng hóa thì chính quyền địa phương cần quy hoạch lại để giải tán bớt chợ tạm phát triển tự do, những chợ nào được hình thành qua lịch sử rồi thì tiếp tục phát triển và quy hoạch lại. Nếu chợ cóc, chợ tạm tồn tại mà vẫn có lợi cho người tiêu dùng không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và sự quản lý của Nhà nước thì nên nâng cấp lại thành chợ bài bản hơn./.
Theo Chung Thủy/ vov.vn