Cập nhật: 30/07/2009 22:06:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, dịch cúm H1N1 đang lan tràn trên diện rộng với mức độ nguy hiểm cao, để giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về dịch bệnh này cũng như cách phòng tránh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Đỗ Quốc Huy - Trưởng bộ môn Cấp cứu hồi Sức và Chống độc, Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tp Hồ Chí Minh về mức độ nguy hiểm cũng như cách phòng chống bệnh.

Thưa TS. BS Đỗ Quốc Huy, hiện nay bệnh H1N1 đang lan tràn nhanh chóng trên diện rộng, ông có thể cho chúng tôi biết rõ hơn về mức độ lây lan, mức độ nguy hiểm của bệnh và những biểu hiện ban đầu của người bệnh?

 

Trường hợp đầu tiên mắc bệnh cúm A(H1N1) được phát hiện hồi tháng 3 năm 2009 ở Mexico, sau 1 tháng thì đã ghi nhận bệnh lây lan thành dịch sang các bang Texas, California, rồi nhanh chóng lan ra nhiều vùng, bang tại Mỹ và các nước ở Bắc Bán cầu. Ngày 25/4 tổ chức y tế thế giới (WHO) mới chỉ đưa ra cảnh báo bệnh dịch lây cấp độ 3 (chưa có lây từ người sang người), nhưng 5 ngày sau nâng lên cấp độ 4 (đã có bằng chứng lây từ người sang người) và 6 tuần sau đã nâng lên mức độ đại dịch (cấp 6 - lây lan rộng khắp trong cộng đồng). Như đã biết ở các đại dịch cúm trước, virus cúm cần hơn sáu tháng để lây lan trên diện rộng nhưng virus cúm A( H1N1 ) hiện nay chỉ cần chưa đầy sáu tuần.

 

Tại Việt nam, ngày 31/5/2009 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1) đầu tiên được phát hiện là một du học sinh từ Mỹ về và suốt trong thời gian hơn 2 tháng (31/5 đến 8/7) mới chỉ có 262 ca được xác nhận có nhiễm virus cúm A(H1N1), không có ca nặng và chưa có tử vong, nhưng khi bệnh dịch cúm bắt đầu lây ra cộng đồng, đặc biệt là ở một trường học tại thành phố Hồ Chí Minh thì số ca đã tăng lên nhanh chóng, trong vòng từ chưa đầy 3 tuần con số ca đã tăng lên là 672 ca (gần gấp 3 lần) và với tốc độ này sẽ còn tăng lên tiếp.

 

Tuy lây lan nhiều và nhanh như vậy nhưng cho đến hiện nay mới chỉ có 02 trường hợp có biến chứng nặng (viêm phổi nặng) và chưa có tử vong. Kinh nghiệm ở các quốc gia lưu hành dịch bệnh trước và nặng hơn so với Việt Nam (Hoa Kỳ, Mexico, Nhật, Thái Lan…) cho thấy khi bệnh dịch đã lan ra cộng đồng thì tốc độ lây truyền sẽ theo cấp số nhân và nguy cơ bệnh nặng và số tử vong sẽ tăng đáng kể. Do đó việc không ngừng cảnh giác với tình hình diễn biến dịch và chủ động có kế hoạch ứng phó kịp thời là hết sức quan trọng.

 

Mặc dù cúm A(H1N1) hiện nay đã lây lan mạnh từ người sang người ở cấp cộng đồng, song độc lực của nó là không cao, tỷ lệ tử vong vẫn còn ở mức tương đương với cúm mùa thông thường (0,2 đến 0,5 %). Chúng ta cần tránh những phản ứng “thái quá” như lo sợ, hoảng loạn hoặc “phong tỏa” hàng loạt trên diện rộng vì có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng trên bình diện xã hội và kinh tế. Mặt khác cũng cần tránh suy nghĩ chủ quan (không có gì phải sợ !?) vì diễn biến tình hình có thể không lường trước được do nguy cơ kết hợp hai dòng virus cúm A(H1N1) với cúm A(H5N1) – cúm gia cầm vốn vẫn đang âm ỉ lưu hành có độc lực cực kỳ đáng sợ (tỷ lệ tử vong rất cao: trên 50 – 90 %) tạo ra loại virus mới có độc lực cao của virus cúm A(H5N1) và tốc độ lây lan nhanh của cúm A(H1N1), khi đó sẽ là đại họa cho nhân loại.

Về những biểu hiện ban đầu của bệnh cúm A(H1N1) là những triệu chứng nhiều khi rất mơ hồ và giống như mọi trường hợp cúm thông thường theo mùa khác như:

 

- Sốt ³ 38oC (95 – 97 % bệnh nhân ở VN có biểu hiện này);

- Ho hoặc đau rát họng hoặc khó thở (25 – 30 % bệnh nhân ở VN có biểu hiện này);

- Có yếu tố nghi ngờ bị lây bệnh cúm A(H1N1) như: đã sống hoặc đến từ vùng có dịch cúm A(H1N1) Hoặc trong vòng 7 ngày có tiếp xúc gần với người bệnh, nguồn bệnh nghi ngờ hay xác định cúm A/H1N1.

Vậy có cách nào để giúp mọi người ngăn ngừa, phòng chống, và TS có thể cho chúng tôi biết thêm một số điều cần biết để người dân không hoang mang khi gặp biểu hiện, hoặc tiếp xúc trong vùng có dịch?

Để giúp mọi người ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh, trước hết chúng ta cần biết bệnh dịch cúm A(H1N1) có thể lây lan qua 03 con đường:

 

- Đường lây truyền chủ yếu là “Giọt bắn” (giọt nước bọt bắn ra khi ta ho, khạc, hắt hơi, …có kích thước> 5 µm có thể di chuyển với vận tốc 30 – 80cm/giây trong khoảng cách 1m).

Ngoài ra có thể lây truyền qua “Tiếp xúc” (lây truyền qua bàn tay ...)

- Qua “Không khí” (do giọt nước bọt hay hơi thở dạng khí dung có kích thước < 5 µm, bay lơ lửng trong không khí với vận tốc có thể đến 0,06–1,5cm /giây và có thể bay xa đến 50 m).

 

Khi hiểu cúm có thể lây truyền qua các con đường vừa kể trên thì mỗi người trong chúng ta sẽ tự giác thực hiện các khuyến cáo của thầy thuốc mà cụ thể là hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) làm thế nào để tự bảo vệ mình và người khác như sau:

 

Thưa ông, có rất nhiều người băn khoăn: nên làm gì nếu chẳng may có biểu hiện cảm thấy không khỏe, có sốt cao, ho hoặc đau họng?

 

Trước hết cần thông báo cho gia đình và bạn bè của bạn về bệnh tật và cố gắng tránh tiếp xúc với những người khác, ra khỏi nơi làm việc, trường học hoặc đám đông.

 

Sau đó nếu bạn thuộc đối tượng đặc biệt như: mắc bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em thì hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám bệnh và tư vấn kịp thời (hình 3). Trường hợp bạn vốn khỏe mạnh thì chỉ cần tự “cách ly”, theo dõi và chữa trị như cúm thường tại nhà.

 

Cuối cùng, nếu thầy thuốc không yêu cầu bạn phải nhập viện để chữa bệnh thì nên về nhà uống thuốc theo đơn và hướng dẫn của thầy thuốc (không ra chỗ đông người). Lưu ý:

 

- Cần phải đeo loại khẩu trang y tế (loại có 03 lớp) để tránh lây nhiễm cho người xung quanh, gia đình.

- Khi chưa hoặc không có khẩu trang thì cần dùng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác rồi rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn.

- Trong trường hợp không có sẵn khăn giấy, nên ho hoặc hắt hơi vào vùng tay áo, phía khuỷu tay, giúp hạn chế sự phát tán vi rút. Không nên dùng bàn tay che miệng khi ho.

 

- Ngoài ra việc vệ sinh nhà cửa; cải thiện luồng không khí trong không gian sống của bạn bằng cách mở cửa sổ; duy trì giấc ngủ đầy đủ, ăn thức ăn đủ dinh dưỡng; uống nhiều nước và duy trì hoạt động thể chất.

- Nếu bạn không thể tạm ngưng công việc thì bạn nên làm việc ở nhà và giao tiếp gián tiếp với bên ngoài (điện thoại, internet, …) cho đến khi hết các triệu chứng để bảo vệ cho bạn đồng nghiệp và những người khác.

Theo ông có nên sử dụng khẩu trang trong công sở hoặc ở nhà?

 

- Nếu bạn không bị bệnh và không phải tiếp xúc gần gũi với người bệnh hay nghi ngờ bị bệnh thì bạn không cần phải mang khẩu trang (mask).

- Nếu bạn đang chăm sóc cho một người bệnh hoặc đang tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh hay nghi ngờ bị bệnh, hoặc đi du lịch hay phải làm việc, tiếp xúc với nhiều người, …, thì bạn cần mang khẩu trang (y tế) đúng như hướng dẫn (che kín cả mũi và miệng; không sờ, chạm vào mặt ngoài của khẩu trang ...).

 

- Phải bỏ khẩu trang ngay khi không còn tiếp xúc với nguy cơ và cần rửa tay thật sạch sau đó. Sử dụng khẩu trang không đúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh hoặc lây lan cho cộng đồng.

 

Thưa ông, rất nhiều người hiện đang “săn lùng” thuốc Tamiflu để uống với mục đích dự phòng hoặc “thủ” trước vì lo rằng có khi thị trường sẽ “khan hiếm”… Theo ông có nên như vậy ?

 

Các cá nhân, không nên tự lùng mua các loại thuốc kháng virus như Tamiflu (cả ở các nhà thuốc hay trên internet) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế với mục đích uống dự phòng hoặc tự điều trị khi có sốt ho hay thậm chí để “thủ” phòng khi khan hiếm! bởi vì:

 

- Thứ nhất, hiện nay hầu hết những người có các triệu chứng giống như cúm (đau họng, ho, sổ mũi, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ khớp) có thể được chữa khỏi với các thuốc thông thường và phục hồi hoàn toàn mà không cần điều trị bằng thuốc kháng virus.

 

- Thứ hai, việc sử dụng tràn lan dễ dãi thuốc kháng virus có thể gây nên tình trạng kháng thuốc (rất nguy hiểm cho cộng đồng) nên chính quyền tại tất cả các nước đều kiểm soát rất chặt chẽ việc dùng thuốc, do vậy không có thuốc kháng virus bán tự do trên thị trường.

 

- Thứ ba, cơ quan y tế đã dự trữ đủ cơ số thuốc kháng virus dùng trong mọi hoàn cảnh (có sự giúp đỡ của quốc tế) nên sẽ không có chuyện thiếu thuốc dùng cho người bị bệnh cúm A(H1N1).

Xin cảm ơn ông!

 

 

Theo VTV.VN

Tệp đính kèm