Cập nhật: 06/11/2009 21:31:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện nay, lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và Gia Lai đang xuống, riêng hạ lưu sông Ba còn ở mức cao. Dự báo lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục xuống.

* Cả nước hướng về khúc ruột miền trung

Mực nước hạ lưu sông Ba và sông Kôn sẽ xuống mức BÐ 2; các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi còn trên mức BÐ1; các sông ở Quảng Nam, Khánh Hòa xuống dưới mức BÐ1. Tình trạng ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng ven sông còn diễn ra ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.

Ngày 4-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 1779/QÐ-TTg, trích 225 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2009; xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia hỗ trợ cho một số địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 11. Theo đó, hỗ trợ tỉnh Bình Ðịnh 70 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo; Phú Yên 100 tỷ đồng và 4.000 tấn gạo; Khánh Hòa 20 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo; Ninh Thuận 5 tỷ đồng; Gia Lai 30 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo.

Sáng 5-11, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết, khu vực Nam Trung Bộ mưa đã giảm hẳn, riêng các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn mưa. Theo tổng hợp, đợt bão, lũ vừa qua làm 98 người chết, 20 người mất tích, 66 người bị thương. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm 1.133 nhà bị sập, trôi; 15.283 nhà tốc mái, hư hỏng; 43.715 nhà bị ngập; 489 phòng học, 106 trạm xá, trụ sở UBND xã bị ngập, hư hỏng; 10.335 ha lúa bị ngập, đổ; 6.187 ha hoa màu các loại bị ngập, hư hại; 11.561 ha ngô, mía bị ngập; 1.784 ha cây công nghiệp bị hư hại; 913 ha ao nuôi cá, tôm ngập, hư hại; 2.111 lồng bè nuôi trồng hải sản vỡ, trôi. 128 tàu, thuyền, chìm, vỡ; 82.721 m3 đất sạt lở, trôi, bồi lấp; 512 cột điện gãy, đổ, đứt 1.053 km đường dây các loại; 121 công trình nhỏ, đập tạm vỡ, hư hỏng; 27.073 m đê, kè, kênh mương trôi, hư hỏng; 20.060 m3 khối lượng đất đá sạt lở, bồi lấp.

Ðể nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão lũ, Ðoàn công tác do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Ðức Phát kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục hậu quả lũ lụt tại các khu vực ngập sâu, chia cắt ở tỉnh Phú Yên. Ngày 5-11 Ðoàn chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả tại một số khu vực của tỉnh Bình Ðịnh và Gia Lai. Bộ NN và PTNT tiếp tục cử ba đoàn công tác đi kiểm tra, phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân chủng Phòng không - Không quân huy động tối đa lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ.

Ðến nay, Bộ Quốc phòng đã điều động tổng cộng 4.172 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Quân chủng Phòng không - Không quân huy động sáu máy bay trực thăng thực hiện 23 lượt chuyến bay chở 25 tấn hàng cứu trợ cho tỉnh Bình Ðịnh và tỉnh Phú Yên. Lực lượng công an các địa phương vùng lũ lụt đã tập trung lực lượng, phương tiện giúp dân sơ tán, cứu hộ cứu nạn, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực bị ngập và tại các nơi sơ tán, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ách tắc.

Hỗ trợ thuốc cứu chữa người bị thương và vệ sinh vùng lũ

Bộ Y tế có công văn yêu cầu Công ty dược T.Ư III và Công ty CP thiết bị y tế Medinsco cấp cho Sở Y tế hai tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên mỗi nơi 30 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B và 100 chiếc áo phao, cấp cho Sở Y tế năm tỉnh bị thiệt hại do bão số 10 cơ số thuốc, 50.000 viên CloraminB/tỉnh để phục vụ PCLB.

Bão số 11 đã gây thiệt hại nặng cho ngành y tế ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên. Tại Phú Yên, 10 bệnh viện, 50/112 trạm y tế bị ngập nước. Tại Bình Ðịnh, ba bệnh viện lớn, tám trung tâm y tế bị ngập nước, tốc mái, 21 trạm y tế bị hư hỏng. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đến hai tỉnh trên hỗ trợ trước mắt cho Bình Ðịnh 210 kg Cloramin B bột, 40 nghìn viên Cloramin B, 200 lít hóa chất vệ sinh bề mặt. Viện Pa-xtơ Nha Trang đã cấp tổng cộng cho năm tỉnh bị thiệt hại là 1.050 kg Cloramin B, 369 nghìn viên Cloramin B và 1.000 lít hóa chất.

Bộ Y tế đã có Công văn đề nghị Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương, đặc biệt là hoá chất phục vụ việc cung cấp nước sạch và xử lý môi trường sau lũ. Tổ chức Y tế thế giới đã có kế hoạch hỗ trợ cho các tỉnh 950 nghìn viên Anquatabs, hóa chất diệt khuẩn để cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng lũ.

Bộ đội Biên phòng Trà Vinh tiếp tục huy động tàu, thuyền tham gia TKCN và duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm năm người bị sập hàng đáy rơi xuống biển trôi dạt tại cửa sông Hàm Luông (Bến Tre). Ðến ngày 5-11, đã tìm thấy, cứu vớt được ba người (còn sống) và một nạn nhân (đã chết). Hiện các lực lượng tiếp tục tìm kiếm một người còn lại.

Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), đối với lưới truyền tải, đường dây 500 kV, 220 kV và 110 kV đoạn qua khu vực miền trung - Tây Nguyên đã được khôi phục bình thường. Ðường dây 500 kV mạch 1 đoạn Ðà Nẵng - Hà Tĩnh, đoạn Ðà Nẵng - Plây Cu có bốn sự cố nhưng đã đóng lại đường dây ngày 2-11. Mạch 1 đoạn Plây Cu - Phú Lâm bị nhảy lúc 18 giờ 31 phút ngày 2-11 nhưng đã khôi phục lúc 1 giờ 25 phút ngày 3-11. Ðường dây 220 kV Nha Trang - Krôngbuk nhảy 17 giờ 50 phút ngày 2-11, đóng lại lúc 18 giờ 10 phút cùng ngày. Ðường dây 220 kV Nha Trang - Tuy Hòa sự cố nhảy ngày 2-11, đến sáng 4-11 đã khôi phục bình thường... Ðối với lưới điện phân phối, Ðiện lực Quảng Nam hiện đã cấp trở lại 99% phụ tải toàn tỉnh. Ðiện lực Quảng Ngãi cấp 99,7% phụ tải toàn tỉnh. Ðiện lực Bình Ðịnh cấp hơn 50% phụ tải toàn tỉnh. Ðiện lực Phú Yên chỉ cấp được 10% phụ tải do lũ trên các sông vẫn cao ở trên mức BÐ 3, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Ðiện lực Gia Lai cấp lại 97% phụ tải toàn tỉnh. Ðiện lực Kon Tum và Ðác Nông đã khôi phục cấp điện bình thường cho các phụ tải bị sự cố do bão. Ðiện lực Ðác Lắc khôi phục 98% phụ tải. Tại Khánh Hòa, khu vực Diên Khánh-Khánh Vĩnh đang bị ngập sâu chưa thể cấp điện trở lại. EVN đang chỉ đạo trực tiếp các đơn vị trực thuộc trong vùng ảnh hưởng của bão, tập trung toàn bộ nhân lực, vật tư, khắc phục sự cố, sớm cung cấp điện trở lại

Tại Quảng Ngãi, lũ đã gây thiệt hại các tuyến đường quốc lộ, đường liên xã, liên huyện bị sạt lở và nước lũ chia cắt. Mưa lũ cũng làm sạt lở ở 11 tuyến đường giao thông nông thôn, với khối lượng hàng chục nghìn mét khối đất, đá. Riêng tuyến QL24 bị sạt lở ba điểm tại Km63 và Km67, toàn bộ hệ thống lưới điện đi Sơn Tây, Tây Trà bị mất điện gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Ðến nay, hầu hết các tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc đã được ngành giao thông vận tải tỉnh cùng các huyện tập trung khắc phục, bảo đảm an toàn cho người dân qua lại.

Tỉnh Khánh Hòa đến nay có 12 người chết, một người mất tích do mưa, bão. Hiện nay, lũ ở Khánh Hòa đang rút, nhưng chậm. Lũ đã gây thiệt hại ở nhiều địa phương, ước tổng thiệt hại đến thời điểm này là 4 tỷ 620 triệu đồng. Nhiều khu dân cư, tuyến đường ở Khánh Hòa vẫn còn ngập nặng. Công an tỉnh đã tổ chức ca-nô ứng cứu gần 1.000 đồng bào bị lũ lụt chia cắt ở Ðồng Bò, Ðồng Muối (Nha Trang).

* Triều cường dâng cao tại TP Hồ Chí Minh trong hai ngày 4 và 5-11 đã gây vỡ, tràn nhiều đoạn bờ bao chống ngập khu vực ngoại thành khiến hàng nghìn hộ dân bị ngập. Ðêm 4-11 một số đoạn tại phường An Phú Ðông, quận 12 đã bị vỡ, trong đó đoạn bờ bao tại tổ 1, khu phố 1 gần sông Vàm Thuật vỡ hơn 3 m, trước đó đoạn bờ này đã vỡ trong sáng ngày 4-11. Hàng chục hộ dân khu phố 1 bị ngập trong nước tới gần 1m, nhiều vườn mai ngập chìm trong nước.  Chị Huỳnh Kim Phụng tổ 2, khu phố 1, phường An Phú Ðông, quận 12 mệt mỏi: "Hai hôm nay chúng tôi đã phải ăn cơm hộp. Nước ngập trong nhà đã gần tới thắt lưng, đồ đạc ướt hết. Ðêm qua cả khu này phải thức trắng chạy nước lên". Tại khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, đến 8 giờ sáng 5-11 nhiều nhà dân vẫn ngập sâu đến nửa mét. Hàng nghìn gốc mai chuẩn bị cho đợt Tết Nguyên đán bị nước ngâm úng. Nhiều hộ dân nuôi cá cũng bị mất trắng vì nước tràn cá ra sông.

Khu vực ngoại thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là các  phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, quận 12. Hàng chục héc-ta diện tích đất nông nghiệp, nhà cửa ngập trong nước. Sau khi triều cường dâng cao trong đêm 4-11, người dân đã chở đất, bùn đắp thêm đoạn bờ bao thấp, yếu đề phòng triều cường dâng cao trong chiều tối ngày 5-11.

Theo thống kê của trung tâm phòng, chống lụt bão TP Hồ Chí Minh trong đêm 4 và ngày 5-11 xảy ra 12 điểm vỡ bờ bao tập trung tại các quận 12 có 6 điểm, Thủ Ðức 4 điểm... Ðặc biệt phường 28, quận Bình Thạnh vỡ một đoạn bờ bao dài hơn 100m. Ðến chiều ngày 5-11 các đoạn bờ bao bị vỡ đã được gia cố, khắc phục xong.

Các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (Thủ Ðức), Ngô Tất Tố (Bình Thạnh)...ngập hơn 1m tràn vào nhà dân. Một số hộ kinh doanh phải đóng cửa sớm do ngập nước, xe gắn máy bị chết máy do nghẹt nước... Trước đó chiều 4-11, nhiều tuyến đường này đã ngập trầm trọng hơn. Theo Trung tâm điều hành chống ngập TP Hồ Chí Minh, đợt triều cường này đã làm ngập hơn 30 tuyến đường, trong đó 16 tuyến bị ngập sâu.

Ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ miền trung

Ngày 5-11, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cử đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên, đồng thời mang 2 tỷ đồng giúp đỡ nhân dân bốn tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận khắc phục hậu quả bão lụt.

Chiều 5-11, Thành ủy Hà Nội tổ chức phát động ủng hộ đồng bào miền trung - Tây Nguyên bị thiệt hại do bão số 11. TP Hà Nội đã quyết định ủng hộ số tiền năm tỷ đồng, trích từ Quỹ Hỗ trợ PCLB và thiên tai của thành phố gửi đến đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng thiên tai.

Sáng 5-11, lãnh đạo Tỉnh ủy, HÐND, UBND, MTTQ tỉnh Bình Thuận gửi điện thăm hỏi đến lãnh đạo Tỉnh ủy, HÐND, UBND, MTTQ tỉnh Phú Yên, chia sẻ sâu sắc trước những thiệt hại, tổn thất nặng nề mà tỉnh Phú Yên đã gặp phải do cơn bão số 11 gây ra. Tỉnh Bình Thuận ủng hộ tỉnh Phú Yên 50 triệu đồng góp phần khắc phục hậu quả thiên tai.

Sáng cùng ngày, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận phát động cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 11 gây ra. Sau lễ phát động, 39 tổ chức, cơ quan, đơn vị và 17 cá nhân ở Ninh Thuận đã ủng hộ hơn 276 triệu đồng. Ðợt quyên góp ủng hộ ở Ninh Thuận kéo dài đến ngày 30-11.

Tỉnh Gia Lai quyết định hỗ trợ mỗi hộ dân có nhà sập ba triệu đồng cùng 10 kg gạo. Những hộ có nhà bị ngập được hỗ trợ một triệu đồng và 10 kg gạo/hộ. Chiều 4-11, 12 hộ ở làng Sơ Ró xã Sơ Ró huyện Kôngchro bị sập nhà đã được cấp đầy đủ gạo, mì tôm và nước sinh hoạt. UBND huyện cấp thêm ba triệu đồng/hộ và 10 kg gạo cho 12 gia đình trên để sửa chữa, dựng lại nhà ở, ổn định cuộc sống. Trong khi đó, thị xã Ayun Pa đã huy động toàn bộ mì tôm có trên địa bàn cứu trợ cho dân huyện Ia Pa.

Thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH Thương mại Ðồng Lực (Hà Nội) đã gửi tặng 6.000 kg gạo, 1.000 khẩu trang phòng dịch, 5.000 bơm kim tiêm, 5.000 cuộn bông băng y tế, 100 hộp găng tay khám bệnh và một số thuốc cho nhân dân tỉnh Quảng Trị.Saigon Co.op đã cung ứng 10.000 thùng mì gói cho Ủy ban tỉnh Bình Ðịnh, 120.000 thùng mì gói, 5 tấn gạo cho tỉnh Phú Yên với mức giá ưu đãi giảm 15%. Ngoài ra, Saigon Co.op cung ứng một nghìn tấm chăn cho hai tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên với giá gốc, giúp người dân vượt qua cơn bão.

Theo UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), rạng sáng 4-11, trên vùng biển Cà Mau có gió lốc. Biển động mạnh kết hợp với triều cường đánh sập hoàn toàn 10 hàng đáy khơi, với 436 miệng đáy của 26 hộ dân trong huyện, ước thiệt hại ban đầu hơn 3,6 tỷ đồng. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn kịp thời cứu được 65/67 ngư dân rơi xuống biển đưa vào bờ an toàn. Hai người mất tích ở thị trấn Rạch Gốc hiện vẫn chưa tìm thấy.

 

Theo NhanDan Online

Tệp đính kèm