Cập nhật: 22/11/2009 15:35:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu quốc gia, là vấn đề lớn, nhằm tạo ra sự chuyển biến về mọi mặt trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao chất lượng sống của người dân. Việc xây dựng mô hình nông thôn mới phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Nhất là thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng hạn chế.

Cổng làng Hoành Đồn
Muốn có nông thôn mới phải có Bộ tiêu chuẩn

 

Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu quốc gia nhằm tạo ra sự chuyển biến về mọi mặt trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao chất lượng sống của người dân đồng thời cũng là để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Hiện chương trình này đang được xây dựng thí diểm tại 11 xã trên cả nước. Sau đó sẽ phát triển và nhân rộng để đến năm 2020, sẽ có 50% số xã đạt.

 

Sau gần 10 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cả ba lĩnh vực này đều có bước chuyển biến tích cực. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang hướng sản xuất có hiệu quả, không những đảm bảo đủ ăn mà còn xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng đạt từ 4,5 - 5%/năm là một thành tích lớn. Hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp, xây mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đời sống vật chất của đại bộ phận dân cư nông thôn được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội. Nông thôn hiện nay được xây dựng tự phát, thiếu quy hoạch, bê tông hóa nhiều làm mất đi vẻ đẹp sinh thái của làng quê Việt Nam. Môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, đã đến mức báo động. Bản sắc của làng quê bị phai nhạt, lối sống thực dụng đang ngày một phổ biến. Vì vậy, “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” là cần thiết và qua đó sẽ tạo ra một diện mạo mới cho nông thôn Việt Nam.

 

Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chúng ta đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, chí ít là ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực. Xây dựng hạ tầng nông thôn hiện đại, môi trường trong sạch, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, phát huy, nâng cao dân chí, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Bộ tiêu chí cũng quy định, tất cả các xã nông thôn mới đều phải có hệ thống thủy lợi cơ bản, đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có internet đến thôn; có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và không có nhà tạm, dột nát... Xây dựng nông thôn mới phải xuất phát từ nhu cầu, ý muốn và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư tại địa phương. Để phát triển nông thôn mới đúng hướng, bền vững, thì các bộ, ngành liên quan phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và phải hưởng dẫn để người dân biết phải làm như thế nào. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân. Việc xây dựng nông thôn mới phải tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương, và đảm bảo các tầng lớp đều có lợi ích”.

 

Nông thôn mới phải bắt đầu từ người dân

 

Năm 2007, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai chương trình thí điểm xây dựng làng nông thôn mới. Sau quá trình khảo sát, Bộ đã chọn thôn Hoành Đồn thuộc xã Hải Đường – Hải Hậu – Nam Định để thực hiện thí điểm.

 

Cổng làng Hoành Đồn

 

Hoành Đồn, ngày đầu Đông, như tôn thêm những kiến trúc và quy hoạch trong làng, gần gũi, hoà đồng hơn với thiên nhiên. Những ngôi nhà ở Hoành Đồn đều được xây theo hướng Nam, thiên nhiên xen lẫn những mái ngói rêu phong truyền thống. Mỗi thửa đất đều có đủ nhà, sân, vườn và ao. Ba năm thí điểm làng nông thôn mới Hoành Đồn đã chi phí hết hơn 1 tỷ đồng, trong đó ngân sách của nhà nước là 660 triệu đồng, còn lại là do dân đóng góp. Đến nay, Hoành Đồn đã phần nào đạt được tiêu chí nông thôn mới.

 

Ông Tăng Minh Lộc cho biết thêm, muốn xây dựng thành công nông thôn mới việc trước tiên phải tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng mô hình nông thôn mới. Thứ hai, phải giúp người nông dân xây dựng được quy hoạch phát triển nông thôn mới ở địa phương của họ dựa trên bộ tiêu chí quốc gia đã ban hành và dựa trên bộ quy chuẩn của các ngành. Thứ ba, cho người nông dân biết những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để từ đó họ có thể lựa chọn việc nào cần làm trước, việc nào nên làm sau. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người nông dân luôn nhận được sự tư vấn của các chuyên gia.

 

Để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, trong quá trình xây dựng rất cần sự hỗ trợ của nhà nước vì hiện nay nông thôn và thành thị đang có khoảng cách khá xa. Đồng thời phải để người dân tự vận hành, phát triển được nông thôn mới của họ phải tạo cho họ tính tự chủ, năng động. Nếu Nhà nước hỗ trợ tiền thì hãy để cho người dân được toàn quyền sử dụng số tiền đó, để họ được làm chủ, họ đầu tư vào đâu, làm gì theo ý muốn của họ.

 

Ông Nguyễn Văn Dương (Trưởng thôn - Trưởng Ban phát triển làng nông thôn mới – Hoành Đồn) cho biết, muốn phát triển được nông thôn mới phải phát huy được quyền dân chủ, phát huy được tính cộng đồng trong làng trong xóm. Tiếp nữa là giữ gìn cảnh quan làng xóm trong quá trình thực hiện quy hoạch. Đến nay, thôn chúng tôi đã thành công và cơ bản đã xong, và đã gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Thứ 3 là phải đổi mới sao cho có mang tính giáo dục, thông qua các kỳ họp của làng, của cấp ủy để giáo dục tính tự giác và tính tiếp thu, trình độ của người dân, có ý thức giữ gìn phong tục của địa phương.

 

Hải Đường là xã thuần nông và là một trong 11 địa phương được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Hiện xã có hơn 3.000 hộ làm nông nghiệp, diện tích canh tác bình quân 504m2/khẩu, chủ yếu là trồng lúa, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bình quân thu nhập đầu người ước khoảng 6,5 triệu đồng/ người/ năm. Tổng nguồn thu ngân sách của xã bình quân hàng năm chỉ đạt 2 - 2,2 tỷ đồng. Vì vậy, việc huy động đóng góp và phát huy nội lực của cộng đồng trong việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do đã được sinh sống trong làng nông thôn mới nên người dân nơi đây cũng đồng tình ủng hộ.

 

Được biết, xã Hải Đường đang thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, những việc như quy hoạch như cải tạo vườn tạp, kiến trúc nhà cửa, công trình vệ sinh, chỉ cần có định hướng rồi dân tự hoàn thiện, hay đường chỉ cần mở rộng và nâng cấp sẽ đạt ngay được tiêu chí nông thôn mới

 

Ông Nguyễn Trung Dũng (Chủ tịch xã – Trưởng ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Hải Đường) cho biết: “Trên cơ sở thực tế và qua quá trình khảo sát chúng tôi thấy các điều kiện của xã so với các tiêu chí thì cũng đã có những tiêu chí đã đạt hoặc gần đạt được. Phong trào khí thế của xã cũng đang hướng tới xây dựng nông thôn mới, cùng với nội lực từ trước đến nay, chúng tôi nghĩ sẽ thành công khi xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước”.

 

 

Ông Nguyễn Trung Dũng (Chủ tịch xã – Trưởng ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Hải Đường)

 

Hoạt động xây dựng nông thôn mới tại làng Hoành Đồn nói riêng, xã Hải Đường nói chung sẽ giúp cho người dân tham gia và chủ động xây dựng kế hoạch cho cộng đồng. Đồng thời, qua quá trình triển khai sẽ đào tạo được một lực lượng cán bộ địa phương ở tỉnh, huyện nắm được phương pháp xây dựng nông thôn mới theo nghị quyết Ban chấp hành TƯ Đảng về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Những kết quả này sẽ là kinh nghiệm để triển khai và nhân rộng việc xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm