Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: "Không có thuốc tốt nào vừa ngon-bổ-rẻ", đồng thời lên án thuốc giả là vi phạm pháp luật, đạo đức nghiêm trọng.
Tại hội thảo “Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn” do Báo Tiền Phong phối hợp với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức diễn ra ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã phân tích rõ những tác động tiêu cực của thuốc giả.
Theo ông, thuốc giả không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, có thể khiến bệnh nhân bệnh nặng thêm hoặc tử vong.
Việc sử dụng thuốc giả còn khiến người bệnh phải dùng thuốc nhiều lần, điều trị kéo dài, làm tăng chi phí y tế, gây tổn thất tài chính lớn cho gia đình và xã hội. Đồng thời nó còn phá vỡ niềm tin của người dân vào ngành y tế và hệ thống phân phối thuốc chính thống.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lên án hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả (Ảnh BTC)
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, người dân dễ rơi vào tình trạng hoang mang, mất lòng tin, ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị. Thuốc giả cũng làm suy yếu thị trường dược phẩm chân chính, gây bất bình đẳng cạnh tranh.
Nguy hiểm hơn, thuốc giả tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gia tăng tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch và kiểm soát bệnh tật.
"Đây là một thách thức lớn đối với an ninh y tế quốc gia," ông nhấn mạnh và cho rằng tình trạng này không chỉ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội.
Về thực trạng hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dù hệ thống pháp luật và các biện pháp kiểm tra, kiểm nghiệm đã được cải thiện, nhưng tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt đáng lo ngại là thuốc cổ truyền, thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin, sự nhẹ dạ của người bệnh để quảng cáo thuốc giả như “thần dược”. "Thậm chí, họ còn dùng người nổi tiếng và danh xưng bác sĩ nhằm lừa dối người tiêu dùng," Thứ trưởng chỉ rõ các thủ đoạn tinh vi.

Một cơ sở sản xuất thuốc giả đã bị Công an TP.HCM phát hiện và bắt giữ hồi tháng 1/2024 (Ảnh CA)
Trước tình hình này, Bộ Y tế đang tập trung hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, Bộ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, quản lý thị trường và biên phòng để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, chỉ lựa chọn sử dụng thuốc chính hãng tại các cơ sở y tế, nhà thuốc uy tín.
Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp dược phẩm phải nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, không tiếp tay cho hàng giả.
“Không có trường hợp thuốc vừa mới, tốt mà lại rẻ. Tôi nói rõ là tiếp cận thuốc mới, hiệu quả nhất và chi phí hợp lý – nghĩa là không đắt mà cũng không giả. Quan điểm chỉ đạo của Trung ương rất rõ ràng, nhất quán, đó là phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời phải xử lý các hành vi bao che, tiếp tay", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), chỉ ra nguy cơ gia tăng thuốc giả nhập khẩu và lan truyền qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội và sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo ông Hùng, dù Việt Nam đã có hệ thống quản lý dược tương đối hoàn chỉnh với Luật Dược, Bộ luật Hình sự và nhiều văn bản quy phạm, công tác phòng chống thuốc giả vẫn còn những lỗ hổng.

TS Tạ Mạnh Hùng cho hay, các biện pháp xử phạt vi phạm hiện hành đôi khi còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe (Ảnh BTC)
Các đối tượng làm giả thuốc ngày càng tinh vi, sản xuất chui, chia nhỏ quy trình, dùng mạng xã hội để tiêu thụ. Đáng chú ý, một số nhà thuốc bán lẻ vẫn chưa nghiêm túc trong quản lý hóa đơn, nguồn gốc thuốc, vô tình tạo điều kiện cho thuốc giả lọt vào thị trường chính thống.
Ngoài ra, ông Hùng cũng nhìn nhận, hệ thống kiểm nghiệm thuốc vẫn thiếu thiết bị hiện đại, năng lực chưa đồng đều giữa các tuyến.
Các biện pháp xử phạt vi phạm hiện hành đôi khi còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhất là đối với các trường hợp buôn bán thuốc nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc.
Vì vậy, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng đề xuất một loạt giải pháp đồng bộ. Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc bán thuốc online, công khai thông tin phân phối và quyết liệt áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm, ứng dụng công nghệ mới như blockchain, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành dược đồng bộ và triển khai phần mềm theo dõi đơn thuốc, bệnh án điện tử.
Theo Kim Dung/VOV-TP.HCM
https://vov.vn/thi-truong/thu-truong-bo-y-te-len-an-thuoc-gia-khong-co-thuoc-tot-nao-ngon-bo-re-post1202274.vov