Theo thống kê, cháy xảy ra nhiều và tập trung trong khoảng 5 tháng, từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Đây là thời điểm mà các trung tâm thương mại (TTTM), cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chợ, khu dân cư... tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy lớn nhỏ, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân hàng trăm tỷ đồng.
Báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Bộ Công an cho biết, đến hết quý III- 2009, cả nước đã xảy ra 1.398 vụ cháy. Trong đó có 1.249 vụ cháy ở các cơ sở sản xuất, nhà dân, 149 vụ cháy rừng, làm 43 người chết, 102 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 388,4 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2008, số vụ cháy tại các cơ sở và nhà dân tăng 123 vụ; cháy rừng tăng 13 vụ). Điển hình, vụ cháy tại Công ty TNHH Newtoyo Pulppy Việt Nam, gây thiệt hại 50 tỷ đồng, vụ cháy tại Công ty Candle Corp, gây thiệt hại 6,4 tỷ đồng và vụ cháy ở doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Công ty TNHH Fit-Active (VN) Procesion, thiệt hại 16 tỷ đồng…
Trên địa bàn Hà Nội, năm 2009 xảy ra 159 vụ cháy, làm 6 người chết, 24 người bị thương, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 20,2 tỷ đồng (các số liệu này đều tăng so với năm trước), trong đó, nội thành chiếm 2/3 tổng số vụ. Đáng chú ý nhất là vụ cháy khu nhà kho trong Ga Giáp Bát hồi tháng 5- 2009. Ngoài thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng, vụ cháy này còn làm 5 người chết, 5 người bị thương. Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ cháy này thì cuối tháng 5- 2009, lại xảy ra cháy lớn tại kho hàng của Công ty cổ phần XNK Thủy sản Hà Nội ở quận Thanh Xuân, tiêu hủy 3.000m2 nhà kho cùng toàn bộ các mặt hàng trong đó như thuốc tân dược, đồ điện lạnh… tổng thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Đây là vụ cháy gây thiệt hại lớn nhất về tài sản kể từ sau vụ cháy chợ Đồng Xuân (năm 1994) đến nay.
Mới đây, tại hội nghị triển khai kế hoạch đấu tranh ngăn chặn cháy lớn do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Đỗ Văn Sơn - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC cho biết: Các vụ cháy lớn đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Đặc biệt, nguy cơ cháy tại các chợ tạm, TTTM vào dịp cuối năm là rất cao. Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 chợ, TTTM, trong đó có hơn 1.000 chợ, TTTM được xây dựng kiên cố và bán kiên cố với quy mô lớn, số lượng hàng hóa mỗi chợ trị giá hàng trăm tỷ đồng.
CATP Hà Nội vừa triển khai kế hoạch tăng cường công tác PCCC mùa hanh khô. Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC phối hợp với CA các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở chú ý các trọng điểm có nguy cơ cao để có kế hoạch và phương án cụ thể trong PCCC. Chủ động phát hiện, kịp thời khắc phục thiếu sót trong công tác PCCC, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực PCCC theo quy định của pháp luật.
Theo HNM Online