Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam vừa tổ chức hội thảo định hướng phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em đến năm 2020. Những nguyên nhân gây ra TNTT, cách phòng chống cũng như những khó khăn, thách thức trong việc phòng chống TNTT ở trẻ em đã được chỉ rõ.
Chưa quan tâm giáo dục
Tại hội thảo, ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2001 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách quốc gia phòng chống TNTT giai đoạn 2002-2010. Đến nay, sau gần 8 năm triển khai, có 43 tỉnh, thành phố thành lập Ban điều hành thực hiện Chính sách quốc gia phòng chống TNTT; hơn 50 Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động về phòng chống TNTT... Tuy nhiên số lượng TNTT ở trẻ em vẫn chưa giảm. Năm 2008, số trẻ em bị chết đuối tăng 5,6% và số trẻ em chết do tai nạn giao thông tăng 1,8% so với năm 2007. Theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2008 toàn quốc có gần 76 nghìn trường hợp TNTT ở trẻ em, chủ yếu là ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
TNTT mà trẻ thường gặp nhất là bỏng, đuối nước, tai nạn giao thông, ngã và điện giật, trong đó tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân chính gây tử vong ở lứa tuổi sơ sinh cho đến vị thành niên. Nguyên nhân gây ra TNTT thì nhiều, trong đó có sự thiếu quan tâm, chăm sóc, sự vô ý của người lớn. Gốc rễ của thực trạng này là do kiến thức về an toàn nói chung ở các gia đình còn thấp, ý thức chấp hành luật pháp và các quy định về an toàn chưa nghiêm, đặc biệt là nhận thức của trẻ em. Vấn đề an toàn cho trẻ em ở cả 3 môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội chưa thật sự bảo đảm giảm thiểu các nguy cơ gây ra TNTT. "Hiện nay, công tác truyền thông, giáo dục chưa đủ mạnh để có thể chuyển đổi hành vi ứng xử trong cộng đồng, nhất là gia đình và trường học trong việc phòng chống TNTT trẻ em. Đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nguy cơ bị TNTT còn rất lớn", ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định.
Cần một kế hoạch hoạt động cụ thể
TNTT ở trẻ em là một vấn đề xã hội vô cùng bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống còn và phát triển của trẻ em. Tại hội thảo các đại biểu đã chỉ ra rằng, để phòng chống đuối nước, các bậc phụ huynh cần nghiêm cấm trẻ bơi ở sông, hồ khi không có người lớn đi kèm; luôn cẩn thận đậy nắp bể, giếng… Để phòng chống tai nạn giao thông, trước tiên, cha mẹ cần chấp hành đúng luật giao thông để làm gương cho trẻ. Để phòng chống bỏng các bậc cha mẹ cần nắm vững những phương pháp phòng chống cho gia đình và trẻ như: đồ nấu ăn cần có chỗ cất hợp lý, ngoài tầm tay với của trẻ; không để trẻ tiếp xúc với diêm, bật lửa, không để đồ vật nóng trong tầm tay của trẻ… Đối với những tai nạn khác như điện giật, ngộ độc… các bậc cha mẹ cần tự trang bị cách sơ cấp cứu cơ bản để có thể ứng phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Ngoài những biện pháp trên, quan trọng hơn hết là sự quan tâm của gia đình đối với các em, nhất là khoảng thời gian các em được rảnh rỗi trong kỳ nghỉ hè, lễ, tết. Các em cần được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên để không quá sa đà vào những cuộc chơi...
Chung quan điểm với những giải pháp trên, Bác sĩ Jean-Marc Olive, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO cho hay, trên thế giới vẫn còn một khoảng cách lớn giữa việc biết về phòng chống TNTT ở trẻ em và thực hiện những việc đó. Điều này cũng xảy ra ở Việt Nam. Để giải quyết thách thức này cần có cam kết lâu dài từ nhiều bộ, ngành, địa phương, nhiều đối tác, thành phần và cộng đồng dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ theo một chiến lược rõ ràng và toàn diện.
"Điều quan trọng là cần xác định rõ vị trí của vấn đề TNTT trong sự phát triển của trẻ. Trẻ em dưới 5 tuổi được bảo vệ khỏi bệnh truyền nhiễm nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng cho trẻ đã được ưu tiên, giáo dục cho trẻ đã được đầu tư, nhưng những thành quả này sẽ bị phá hoặc mất đi khi trẻ bị thương tích và tử vong khi mới 5 tuổi. Vì thế việc xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia toàn diện và triển khai dưới sự điều phối chung của một bộ chủ đạo là hai vấn đề chiến lược cần được quan tâm".
Theo HNM Online