Theo đánh giá của tổng Cục Dân số – KHHGĐ thì trong thời gian qua, những chỉ số về y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao cho thấy chất lượng dân số của Việt Nam đang tăng lên.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn “dân số vàng” với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt giá trị cực đại và tỷ lệ dân số phụ thuộc dưới 50%. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam sẽ có cơ hội “cất cánh” như một số nước châu Á trước đó. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dân số cần phải được đặc biệt chú trọng, đòi hỏi phải có sự đồng bộ, chung sức của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
TS. Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ cho rằng: Lần đầu tiên trong những thập kỷ qua, dân số tăng không quá 1 triệu người. 63/63 địa phương hoàn thành chỉ tiêu công tác dân số mà Đảng và Nhà nước giao cho. Nhìn chung các chỉ số phát triển con người tăng cao ở 3 yếu tố thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình và giáo dục. Chỉ số HDI năm 2007 là 0,733 điểm, xếp thứ 105/177 quốc gia trên thế giới. Dự kiến năm 2010 là 0,75 điểm. Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2010 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm (2006 – 2010), là năm phải hoàn thành tất cả các hoạt động, các chỉ tiêu kế hoạch. Điều đó đòi hỏi toàn ngành nỗ lực phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo để tổ chức thực hiện tốt các hoạt động trong năm 2010.
Một trong những hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể lực, trí tuệ con người Việt Nam đó là hoạt động của chương trình chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Việc áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán sẽ phát hiện ra dị tật thai sớm và giúp cho bác sĩ, thai phụ có được những quyết định đúng đắn nhằm giảm bớt nỗi đau, gánh nặng cho gia đình và xã hội về sau. Sàng lọc sơ sinh là biện pháp dự phòng nhằm phát hiện ra những loại bệnh liên quan đến nội tiết, chuyển hóa, di truyền ngay sau khi trẻ ra đời.
Tuy nhiên, công tác dân số vẫn còn nhiều thách thức, năm 2008 tuổi thọ bình quân đạt 72 tuổi, nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ là 62 tuổi; tỷ lệ người khuyết tật trên 6% dân số, trong đó có tới 1/3 khuyết tật bẩm sinh; tỷ lệ dân số thiểu năng trí tuệ và thể lực chiếm 1,5% và từng năm tăng lên; tỷ lệ trẻ em quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, lây nhiễm HIV/AIDS có xu hướng tăng; chênh lệch giới tính ảnh hưởng đến an ninh lương thực, chất lượng giới tính.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy, thách thức của ngành trong thời gian tới là dân số đã đạt được mức sinh thay thế nhưng chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chủ quan; nhiều địa phương không đạt được mục tiêu về mức sinh thay thế. Thứ trưởng cũng lưu ý về vấn đề chất lượng dân số, vấn đề di cư, việc tận dụng thời cơ “dân số vàng” và các vấn đề thách thức của già hóa dân số... Chính vì thế, công tác dân số thời gian tới cần cố gắng duy trì mức sinh 1,8 – 2 con, nếu dưới hoặc vượt quá mức sinh này đều đáng báo động. Bên cạnh đó, tỉ lệ mất cân bằng giới tính đang là thách thức lớn đối với ngành dân số.
Báo điện tử KTĐT