Cập nhật: 27/12/2009 21:46:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, cân bằng giới tính khi sinh... hàng loạt nhiệm vụ mà ngành Dân số phải gánh vác. Để đạt hiệu quả, công tác này cần có sự tương trợ của các ngành, các cấp và từng cá nhân trong xã hội.

Năm 2009, sau hơn 2 năm chuyển giao về ngành y tế, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những thành tựu lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mức giảm sinh năm 2009 đạt 0,2‰; Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, Tỷ lệ phát triển dân số bình quân hàng năm giai đoạn 1999-2009 giảm xuống còn 1,2%, đạt mức thấp nhất trong 50 năm qua. Tuy nhiên, công tác DS vẫn tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức.

 

Tiếp tục phấn đấu giảm sinh

 

Theo TS Dương Quốc Trọng (Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số): Chúng ta vẫn phải tiếp tục phấn đấu giảm sinh, vì kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc, tâm lý tập quán của nhân dân nói chung vẫn thích đông con nhiều cháu. Sinh 1-2 con chưa thành nếp nghĩ thường trực, tư tưởng mong muốn của tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt đối với người dân vùng sâu, vùng xa như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La… "Kết quả điều tra dân số năm 2009 có thể thấy rằng mục tiêu giảm sinh là duy nhất trong suốt thời gian vừa qua. Trong giai đoạn tới, đây sẽ là một trong nhiều mục tiêu của công tác dân số" - ông Trọng khẳng định.

 

Một lý do nữa là tăng sinh giai đoạn trước đây cho nên số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ trong những năm tới vẫn tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của Tổng cục Dân số, cứ 2 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ mới có 1 người bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ. "Vì vậy trong những năm tới, số lượng trẻ sinh ra vẫn tiếp tục gia tăng" - ông Trọng khẳng định.

 

Ông Trọng cho biết, thời gian tới ngành dân số sẽ khoanh những vùng có mức sinh cao, những tỉnh có mức sinh thay thế để có kế hoạch hành động cụ thể.

 

Theo các kết quả điều tra của ngành dân số, cơ cấu về giới (tỷ số giới tính khi sinh) hiện nay rất đáng báo động. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho biết, năm 2000, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam ở mức bình thường là 106,2 trẻ trai/100 trẻ gái, nhưng đến năm 2008, tỉ số này đã tăng lên 112,1. Kể từ năm 2006, mỗi năm tăng lên 1 điểm cho thấy SRB vượt ngưỡng 115 điểm trong vòng 3 năm tới. Nếu sự mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng như vậy sau năm 2010, sẽ có tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên được sinh ra sau năm 2005 vì khi họ bước vào độ tuổi lập gia đình vào những năm 2030 thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi. Đến năm 2035, mức dư thừa nam giới trưởng thành sẽ chiếm 10% tổng số nữ giới và thậm chí còn cao hơn nếu SRB không trở lại mức bình thường là 105 trẻ trai/100 trẻ gái trong vòng 2 thập kỷ tới. Ngoài ra, xã hội còn phải gánh chịu hàng loạt hệ luỵ khác, đặc biệt là tình trạng buôn bán phụ nữ.

 

Chất lượng dân số - vấn đề đáng quan tâm

 

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu (Tổng cục Dân số), so với thế giới quá trình già hóa dân số của Việt Nam diễn ra rất nhanh. Quá trình này ở các nước phải diễn ra từ 50 đến 100 năm. Nhưng với Việt Nam chỉ diễn ra trong vòng 20 hoặc 30 năm.

 

Năm 2008, tỷ lệ người từ 59 tuổi trở lên của Việt Nam đã đạt 9,9% (có nghĩa là đã xấp xỉ già hóa) nhưng tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã là 7,5% tức là đã già hóa. Như vậy theo con số thống kê của năm 2008 thì Việt Nam đã thực sự bước vào giai đoạn già hóa dân. Trong khi đó, GDP/người của ta mới đạt bình quân 1000/USD. Như vậy, Việt Nam là một trong số rất ít nước trên thế giới già trước khi giàu (chưa có tích luỹ, chưa có lương hưu, chưa có nhà thì đã già).

 

Vấn đề này sẽ tạo ra những thách thức rất lớn, có thể nhìn thấy ngay được là giải quyết việc làm. Trước đây, chỉ tiêu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là tạo ra 1,2 triệu việc làm/năm, nay phải tăng lên 1,6 triệu mà vẫn chưa giải quyết được hết việc làm. "Nếu chúng ta không đáp ứng đủ việc làm thì sẽ sinh ra các mặt trái của xã hội. Đó là thách thức lớn về nhân khẩu học của Việt Nam hiện nay".

 

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay là 73 tuổi, nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2005 thì Việt Nam mới chỉ đạt 58,5. "Nghĩa là người Việt Nam chưa về hưu đã ốm đau bệnh tật rồi. Trong khi đó, nếu chăm sóc một đứa trẻ hết 1 đồng thì chăm sóc cho người già hết 8 đồng" - ông Quốc Anh nói.

 

Còn theo TS Đỗ Thị Khánh Hỷ - Phó Viện trưởng Viện  Lão khoa Quốc gia, đưa ra con số: Khi mới thành lập, Viện có 60 giường, đến năm 2007 tăng 100 giường, năm 2008 là 120 giường và năm 2009 chỉ tiêu là 160 giường. Số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ở tăng lên nhiều. "Với quy mô hiện tại của Viện chưa đủ đáp ứng dịch vụ tốt nhất cho người cao tuổi".

 

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ suy dưỡng (SDD) và thiếu vi chất ở trẻ em Việt Nam xếp vào loại cao nhất trên thế giới. 90% trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi trên thế giới tập trung ở 36 nước, trong đó có Việt Nam.  Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ, suy dinh dưỡng bà mẹ trẻ em vẫn còn là mối quan tâm về xã hội và kinh tế. Trong khi Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong hạ thấp suy dinh dưỡng thấp cân (giảm được 1/3 trong thập kỷ qua) SDD thấp còi vẫn còn chiếm 1/3 tổng số trẻ em Việt Nam, đặc biệt cao ở nông thôn và các dân tộc thiểu số. Các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng cơ bản – sắt, vitamin A, kẽm và Iốt – vẫn còn tác động rất lớn đến tình trạng tử vong và sống còn, đến tăng trưởng và phát triển nhận thức của trẻ em và bà mẹ.  

 

Theo ông Dương Quốc Trọng, "sức bền, sức dẻo dai, thể lực của người Việt Nam còn rất thấp không chỉ so với thế giới mà so cả với khu vực. Chỉ cần quan sát cũng có thể thấy, các đội bóng của Việt Nam chơi 90 phút với các đội bạn trong khu vực là đã yếu rồi. Còn về trí tuệ, tôi tạm lấy chỉ tiêu về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay mới có khoảng 30% đã qua đào tạo, 70% còn lại là lao động giản đơn".

 

Người sinh con thứ 3 có chiều hướng tăng

 

Mặc dù đạt được mức giảm sinh 0,2‰ nhưng đây không phải đã là kết quả làm "thoả lòng" những người làm công tác DS. Bởi thực tế hiện nay, tỷ lệ người sinh con thứ 3 vẫn có xu hướng gia tăng.

 

TS Dương Quốc Trọng cho biết, theo qui định, nếu sinh con thứ 3, với những người giữ chức vụ lãnh đạo sẽ bị cách chức, đối với người không nắm giữ chức vụ sẽ bị cảnh cáo và tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể kéo dài thời gian nâng lương hoặc hạ bậc lương, hạ ngạch và nặng nhất có thể bị thôi việc.

 

Tuy nhiên, theo TS Dương Quốc Trọng, hình thức xử phạt này vẫn còn quá nhẹ. Ông Trọng đưa ra dẫn chứng: Hàn Quốc phạt tới 10.000 USD với người sinh con thứ 3, còn ở Trung Quốc nếu cố tình vi phạm có thể bị xử tù.

 

Lý giải cho việc vẫn còn "nương tay" với người sinh con thứ 3 ở Việt Nam, theo ông Trọng, thì đây là vấn đề mới nên chúng ta phải làm từng bước. Trước mắt, tập trung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, sau này sẽ tăng mức phạt./.

 

 

Theo VOV News

Tệp đính kèm