Trong tuần qua, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã bùng phát tại Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Kiên Giang; dịch cúm gia cầm đã tái phát tại Thái Nguyên, Cao Bằng, Cà Mau … trong khi dịch cúm A/H1N1 đang có xu hướng giảm nhưng vào thời điểm đông xuân, dịch cúm A/H1N1 lại có nguy cơ tái tổ hợp với các chủng virus khác tạo ra một chủng virus cúm mới nguy hiểm hơn do có độc lực cao hơn.
Bùng phát dịch lở mồm long móng (LMLM)
Dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc hiện đang bùng phát tại huyện Mường Tè (Lai Châu) với kết quả thống kê đến ngày 6/1 là 141 con trâu bò mắc bệnh. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, dịch đã bùng phát trên phạm vi 7 bản thuộc 4 xã: Thu Lũm, Mường Tè, Hua Bum và Bum Nưa. Đáng chú ý là mầm bệnh lại được đưa từ bên ngoài vào (đàn trâu bò được hỗ trợ bằng nguồn vốn Chương trình 135 (giai đoạn 2) do UBND huyện làm chủ đầu tư).
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Đoàn công tác do Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh phụ trách đã khẩn trương tới tận địa bàn các bản bị nhiễm dịch để điều tra nguyên nhân và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phương án bao vây, dập dịch khẩn cấp.
Ngày 7/1, ông Đặng Quang Bình, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Cao Bằng cho biết, dịch LMLM trên đàn gia súc đã bùng phát tại 4 thôn, bản thuộc xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng với 164 con mắc bệnh. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chi cục thú y tỉnh đã cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với UBND xã Thượng Thôn kiểm tra diễn biến của ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: Nhốt và quản lý đàn gia súc dễ nhiễm bệnh khi chưa mắc bệnh, hướng dẫn bà con điều trị gia súc ốm, thực hiện vệ sinh và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại và nơi điều trị gia súc. Vận động đồng bào không sơ tán, bán chạy gia súc trong vùng dịch, không chăn thả rông gia súc, không nhốt chung trâu, bò với đàn lợn, không sử dụng gia súc cày bừa trong vùng dịch. Nghiêm cấm vứt các chất thải gia súc ốm ra đường giao thông... Nếu phát hiện có lợn mắc bệnh phải tổ chức tiêu huỷ. Xác định nơi đặt chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch và biển thông báo ổ dịch.
Ông Ngô Rạng Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, huyện đảo vừa xuất hiện dịch LMLM trên đàn bò và tập trung chủ yếu tại các ấp Rạch Tràm, Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài thuộc xã Cửa Dương. Hiện khu vực này có 42 con bò bị lở mồm, long móng tại 10 hộ dân. Huyện cũng đã chính thức công bố dịch lở mồm, long móng trên đàn bò ngay sau khi có kết quả xét nghiệm đàn bò bị lở mồm, long móng với type O.
Ngành chức năng huyện Phú Quốc đã tiến hành khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại; nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển, giết mỗ gia súc trong vùng dịch; đồng thời cử cán bộ giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, hướng dẫn người dân cách phòng chống nhằm khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch LMLM ở gia súc đang bùng phát tại tại 6 xã của tỉnh Lạng Sơn là: Vĩnh Lại, Bình Phúc, Xuân Mai (huyện Văn Quan), Tân Lang (huyện Văn Lãng), Nam Quan và Đông Quan (huyện Lộc Bình) làm 232 con trâu, bò mắc bệnh.
Như vậy, hiện nay, cả nước có 5 tỉnh là: Phú Yên, Sơn La, Lạng Sơn, Kiên Giang và Cao Bằng đang có dịch LMLM.
Nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm
Ngày 5/1, lãnh đạo huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết dịch cúm gia cầm đã tái phát tại xã Khánh Hưng của huyện này sau khi cơ quan thú y xã Khánh Hưng phát hiện đàn gà nuôi công nghiệp 95 con chết hàng loạt, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy tất cả đều dương tính với cúm A/H5N1.
Ngày 6/1, Chi cục Thú y TPHồ Chí Minh (HCM ) cho biết, mặc dù lệnh cấm bán gia cầm không rõ nguồn gốc được ban hành từ nhiều năm qua nhưng qua khảo sát mới đây vẫn còn trên 200 điểm kinh doanh gia cầm trái phép hoạt động hàng ngày. Theo Bà Trương Thị Kim Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, các vi phạm trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không kiểm dịch sẽ tăng mạnh trong những ngày giáp tết. Viện Pasteur TPHCM cũng vừa cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Canh Dần.
Trong khi ổ dịch cúm gia cầm ở xã Hoàng Nông và Yên Lãng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đang trong giai đoạn khống chế dịch thì trong những ngày qua, tại xã Hoàng Nông lại có hiện tượng gia cầm chết hàng loạt. Trạm thú y huyện đã lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm và tiến hành tiêu hủy hơn 1.000 con gia cầm, thủy cầm, trên 6.000 quả trứng; tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc vùng có dịch; duy trì hoạt động 24/24 giờ ở 15 chốt kiểm dịch trên khắp các tuyến đường đi qua địa bàn...
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm ở huyện Đại Từ, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát quản lý dịch trên địa bàn toàn tỉnh, nhanh chóng dập tắt dứt điểm ổ dịch trên địa bàn xã Hoàng Nông và xã Yên Lãng, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng, tăng cường kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn... Đối với vùng chưa có dịch xảy ra vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, chuẩn bị đủ lực lượng, kinh phí sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra, thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi tập trung, các tụ điểm kinh doanh buôn bán gia cầm …
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 5 trường hợp tử vong, do nhiễm cúm A/H5N1 ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Đồng Tháp, Thanh Hóa và Điện Biên.
Dịch cúm A/H1N1 có nguy cơ tái tổ hợp
Ngày 6/1, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế cho biết: Dịch cúm A/H1N1 đang có xu hướng giảm nhưng vào thời điểm đông xuân, dịch cúm A/H1N1 có nguy cơ tái tổ hợp với các chủng virus khác tạo thành chủng mới có độc lực cao hơn.
Ông Đặng Quang Bình cho biết thêm: Trong thời gian tới, dịch LMLM có thể lây lan mạnh do điều kiện thời tiết khí hậu và nhất là việc mua bán vận chuyển trong thời gian giáp Tết sẽ tăng mạnh... và nếu xuất hiện típ LMLM mới sẽ rất khó khăn cho công tác chống dịch.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát và kết hợp với cúm A/H1N1 dễ tạo ra một chủng virus cúm mới nguy hiểm hơn.
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo, diễn biến dịch cúm A/H1N1 trong thời gian tới rất khó dự đoán, người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, phụ nữ có thai ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ mới sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là đối tượng nguy cơ cao, dễ cảm nhiễm với cúm A/H1N1, nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao. Vì vậy, khi những đối tượng này có biểu hiện nghi ngờ cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời../.
Theo Báo điện tử ĐCSVN