Mục tiêu phấn đấu của ngành Y tế là đảm bảo an toàn thực phẩm theo cả chuỗi dây chuyền, chứ không chỉ có đảm bảo khâu đầu ra của sản phẩm.
Từ ngày 14/1 đến ngày 13/2, tức ngày 30 Tết, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế về hoạt động của những đoàn kiểm tra này.
** Thưa ông, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập các đoàn kiểm tra nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm những ngày giáp Tết. Xin ông cho biết thêm thông tin về các đoàn kiểm tra này?
Ông Nguyễn Công Khẩn: Thực hiện Chỉ thị số 67 của Thủ tướng Chính phủ về đợt cao điểm tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không những của ngành Y tế mà của các bộ, ngành. Chỉ thị này cũng đã khẳng định Tết Nguyên đán chỉ là những ngày cao điểm, còn vệ sinh thực phẩm là vấn đề thường ngày, ngày nào cũng phải tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ. Riêng Tết Nguyên đán, do tần suất tiêu thụ thực phẩm tăng lên, nên việc thanh tra, kiểm tra là vô cùng quan trọng.
Các đoàn của Bộ Y tế được tổ chức dưới hình thức liên ngành, phối hợp giữa Bộ Công thương, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường, Công an… để đôn đốc các địa phương trọng điểm. Các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra.
** Các địa phương có phối hợp với ngành chức năng quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán không?
Ông Nguyễn Công Khẩn: Nhiều địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra đến tận xã để kiểm tra nguồn gốc sản xuất thực phẩm và việc lưu thông. Ngành Công thương phối hợp trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Sau hơn nửa tháng vừa rồi, các đoàn kiểm tra ra quân đã đạt được kết quả rất tốt. Đấy là chưa kể tại các chợ, siêu thị, các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng như Chi cục Bảo quản chất lượng nông lâm thực phẩm của các địa phương cũng đều đồng loạt ra quân.
** Những đoàn kiểm tra này tập trung thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực, mặt hàng nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Khẩn: Hai nhiệm vụ rất quan trọng của các đoàn kiểm tra này, thứ nhất là tập trung kiểm tra, giám sát vấn đề nhập khẩu thẩm lậu qua biên giới hàng không rõ nguồn gốc. Hiện nay, UBND các tỉnh có biên giới đã ra quân đồng loạt và đã thu giữ, cũng như xử lý tương đối mạnh tay đối với hàng không rõ nguồn gốc. Thứ hai là kiểm tra các thực phẩm có nguy cơ cao được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt, sữa, các sản phẩm của sữa được chế biến, mứt, dưa, những mặt hàng truyền thống mà chúng ta hay sử dụng thì đều được kiểm tra. Rất nhiều mặt hàng đã bị đình chỉ, hoặc bị tiêu huỷ, bị niêm phong để xét nghiệm.
** Những kết quả xử lý ban đầu của các đoàn kiểm tra như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Khẩn: Hiện nay chưa có thống kê đầy đủ, nhưng qua kết quả sơ bộ, thì trung bình một tỉnh, với số dân từ 1 đến 2 triệu dân thì đã tổ chức được hàng ngàn cuộc thanh tra. Ví dụ như ở Thái Bình, trong vòng một tháng tổ chức được trên 3.110 đợt thanh tra, kiểm tra đến tận xã, phường, rồi Trung ương xuống giám sát. Còn rất nhiều tỉnh khác, các thành phố trọng điểm, như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, và số vụ xử lý rất nhiều.
Việc ngăn chặn, phát hiện các vụ việc giúp cho công tác cảnh báo rất nhiều. Sở dĩ chúng ta thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin còn ít, nhưng đó là vì số vụ vi phạm nhiều quá, nếu đưa lên chương trình thì chắc phải chiếm hết chương trình. Có thể nói số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm còn nhiều hơn số vụ tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, nếu so với mọi năm thì việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm có khá hơn. Đó là nhận định chung, nhưng chưa thể hài lòng được, mà còn phải phấn đấu nhiều mới đạt được yêu cầu. Đó là yêu cầu về nguồn gốc, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm theo cả chuỗi dây chuyền, chứ không chỉ có đảm bảo khâu đầu ra của sản phẩm. Đây là mục tiêu mà chúng tôi đang phấn đấu.
** Thưa ông, năm nào ngành chức năng cũng tổ chức các đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, nhưng trong thực tế việc kiểm tra này chưa đem lại hiệu quả cao. Vậy, theo ông, để giải quyết tận gốc vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cần có giải pháp căn bản nào?
Ông Nguyễn Công Khẩn: Chúng ta đang có rất nhiều giải pháp để giải quyết bền vững vấn đề này. Do đặc điểm của một nước xuất phát từ nông nghiệp nhỏ lẻ với hơn 9,4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Để quản lý được chúng ta phải có Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong các kỳ họp Quốc hội của năm 2010 này, hy vọng Luật này sẽ được thông qua.
Chúng ta đang tiếp tục xây dựng chế tài để xử phạt đúng mức, nghiêm khắc; đồng thời tiếp tục xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên ngành có năng lực, có phương hướng và cơ chế hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là phải lôi kéo sự chủ động tham gia tích cực, mạnh mẽ và quyết liệt của các địa phương. Nếu địa phương không hoạt động tích cực thì công tác này khó đạt được kết quả./.
** Xin cảm ơn ông!./.
Theo vovnews.vn.