Hàng kém chất lượng, mất vệ sinh vẫn được bày bán tự do, nhưng vì thiếu về lực lượng, kinh phí và yếu về chế tài nên các ngành chức năng vẫn chỉ tập trung kiểm tra thủ tục hành chính và nhận biết bằng cảm quan.
Hơn 1 tuần nay, các địa phương đồng loạt kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm Tết, kịp thời phát hiện những cơ sở, sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm vi phạm tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sử dụng phẩm màu độc hại
Các đợt kiểm tra cho thấy, tình trạng sử dụng phẩm màu độc hại trong chế biến diễn ra khá phổ biến tại nhiều nơi.
Sau khi xét nghiệm một số mẫu hạt dưa mang nhãn hiệu Tấn Phát bày bán tại thị trường thành phố Đà Nẵng, cho kết quả dương tính với chất Rhodamine B, một loại hoá chất độc hại có khả năng gây ung thư, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra hàng loạt các cơ sở kinh doanh bánh mứt, hạt dưa trên địa bàn. Qua đó, phát hiện và thu giữ toàn bộ số hạt dưa hiệu Tấn Phát.
Mới đây, một đợt kiểm tra cao điểm các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết nguyên đán cũng đã được triển khai rộng khắp từ quận huyện đến thành phố. Chỉ trong mấy ngày đầu, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã phát hiện nhiều cơ sở không tuân thủ đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế này khiến cho người tiêu dùng ở Đà Nẵng cảm thấy hết sức lo ngại khi mua sắm Tết: “Chúng tôi rất lo lắng khi nghe thông tin hạt dưa và ớt bột có chất gây ung thư. Mong cơ quan chức năng thông báo những sản phẩm trên một cách rộng rãi để chúng tôi yên tâm lựa chọn, mua sắm Tết” - một người tiêu dùng ở Đà Nẵng nói.
Tại tỉnh Quảng Nam, mới qua 2 ngày kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng Tết tại 10/18 huyện, thành phố trên địa bàn cũng đã phát hiện nhiều hàng hoá không có nhãn mác, quá hạn sử dụng. Đặc biệt, qua kiểm tra tại một số chợ ở huyện Núi Thành, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ hơn 20 kg hạt dưa có tẩm chất Rhodamine B. Và mới đây, tại cơ sở sản xuất ớt bột của bà Nguyễn Thị Phúc, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc đoàn kiểm tra lại phát hiện gần 8 kg ớt bột có chứa chất độc hại này. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành đóng cửa cơ sở sản xuất ớt bột này, đồng thời thu giữ sản phẩm gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng, lấy mẫu gửi Viện Y tế công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm. Về hình thức xử lý các cơ sở vi phạm, ông Trần Quang Hiền, Chánh Thanh tra sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm. Đồng thời khuyến cáo người dân nên cẩn thận khi chọn mua hàng hoá”.
Còn tại tỉnh Quảng ngãi, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Quảng Ngãi đã phát hiện và thu hồi 4kg ớt bột có chứa chất Rhodamine B tại quầy hàng bà Nguyễn Thị Hượt ở chợ Quảng Ngãi. Trong lúc đó ở Bình Định, sau khi có thông tin một số cơ sở sản xuất ớt bột ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ sử dụng phẩm màu chứa chất Rhodamine B, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Định đã khẩn trương kiểm tra, lấy mẫu thử nhanh một số sản phẩm ớt bột tại cơ sở của ông Đỗ Đình Hiểu và Huỳnh Tấn Ảnh. Kết quả bước đầu cho biết, sản phẩm dương tính với chất Rhodamine B, đoàn kiểm tra lập tức niêm phong cơ sở với gần 6 tấn điều, lấy mẫu gửi Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương xét nghiệm. Bà Trần Thị Ánh Hồng, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Định cho biết.
Thực phẩm bẩn…
Hiện tại mới chỉ có 1/3 trong tổng số gần 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Đắk Lắk được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng đi với Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi có mặt tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Thương mại và Dịch vụ thực phẩm Tây Nguyên ở đường Cù Chính Lan, thành phố Buôn Ma Thuột. Khi kiểm tra, Đoàn phát hiện nhiều loại thực phẩm đã qua sơ chế như: cua, cá, cánh gà, đà điều, thịt lợn… không có nguồn gốc, không có nhãn mác. Một số loại thực phẩm như cá, cánh gà… được đóng trong những thùng giấy in bằng chữ Trung Quốc.
Điều đáng nói là chỉ đến khi đoàn kiểm tra chỉ ra những sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và đưa ra hình thức xử phạt, vị Giám đốc công ty này mới biết mình vi phạm. “Tôi vào trong Sài Gòn xem những cơ sở sản xuất, thấy người ta cũng sản xuất và tiêu thụ nhiều, mà không có vấn đề gì nên lấy về bán. Trong lúc bán thấy người ta tiêu thụ cũng được mà không thấy vấn đề gì xảy ra trong khi tôi cũng không biết nhiều về pháp luật” - bà Nguyễn Thị Thanh Nga Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Thương mại và Dịch vụ thực phẩm Tây Nguyên biện bạch.
Đây chỉ là một trong số 28 cơ sở kinh doanh sản phẩm thịt đông lạnh tại Đắk Lắk bị kiểm tra và phát hiện sai phạm. Đắc Lắc có khoảng 37 cơ sở giết mổ động vật tập trung và sơ chế sản phẩm động vật. Tất cả các cơ sở giết mổ đều thủ công và không đảm bảo vệ sinh thú y. Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, các lò mổ gia súc tại tỉnh này nằm trong khu dân cư, hệ thống xử lý chất thải không còn phù hợp, trong khi người giết mổ lại không có ý thức bảo quản thực phẩm, để thịt dưới nền sàn đất…
Để hạn chế những thực phẩm không an toàn đưa ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Y tế Đắk Lắk thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cơ sở.
Gần Tết, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã đến mức báo động. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết hơn với những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng.
Theo vovnews.vn.