Cập nhật: 13/02/2010 17:48:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày giáp Tết Canh Dần để lại sau lưng mình một Hà Nội  rộn ràng không khí Tết, chúng tôi ngược rừng lên Tây Bắc, đến với những người thợ đang thi công công trình thủy điện và tuyến dây tải điện trọng điểm của đất nước - Thủy điện Sơn La và các tuyến đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan.

Là người có duyên nợ với các tuyến đường dây và nhà máy điện nơi rừng sâu núi thẳm nên khi các đồng nghiệp báo tin có chuyến công tác lên Tây Bắc, nơi đang thi công các đường dây tải điện từ Nhà máy Thủy điện Sơn La, chúng tôi khăn gói lên đường ngay.

 

Ðiểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là trạm 500 kV Hòa Bình. Ðây là trạm 500 kV đầu tiên được xây dựng từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, cùng với tuyến đường dây 500 kV bắc-nam mạch 1 nhận điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Phía dưới kia là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đang sẵn sàng xả nước để bà con vùng hạ du lấy nước đổ ải. Tôi nhìn sâu vào khoảng trống của trạm cạnh nhà điều hành thấy một nhóm công nhân đang giăng đèn kết hoa che rạp có lẽ nào ai đó tổ chức đám cưới ở đây? Ðoán được sự băn khoăn của tôi, anh Quang Thắng, cán bộ tuyên truyền của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) giải thích: Chiều nay NPT tổ chức Tết cho anh em truyền tải Hòa Bình - những người không về ăn Tết với gia đình.

 

 

Tôi "túm" được giám đốc Công ty truyền tải 1 Phan Văn Cần. Anh cho biết: Ðể đón điện Nhà máy Thủy điện Sơn La, Chính phủ đã phê duyệt cho NPT làm chủ đầu tư xây dựng các tuyến đường dây 500 kV từ Sơn La đi Hòa Bình, Sơn La đi Nho Quan. Như vậy, ngoài việc vận hành hệ thống lưới điện từ 220 đến 500 kV của miền bắc, hiện nay công ty đang rải quân trên hơn 600 vị trí móng cột từ Hòa Bình đến Sơn La, Sơn La - Nho Quan để giám sát các đơn vị thi công đúc móng, dựng cột kéo dây. Gần 300 km đường dây siêu cao áp với 633 vị trí móng nằm vắt vẻo trên đỉnh núi, có nhiều vị trí nằm sâu trong rừng già, yêu cầu kỹ thuật rất cao, đặc biệt là lúc đúc móng, phải kiểm tra từng mẻ bê-tông; cát sỏi cũng phải do một nhà cung cấp được lựa chọn kỹ càng. Rồi công đoạn dựng cột kéo dây, với các địa hình hiểm trở, độ dốc lớn nếu không cẩn thận sẽ gây xước dây và đây là điều kỵ nhất trong công tác vận hành sau này. Trên tuyến hiện nay có hơn 200 giám sát viên, đều là kỹ sư và thợ bậc cao có chứng chỉ hành nghề giám sát, họ cũng lập lán trại ăn ở tại công trường như bên thi công.

 

Ðêm ấy tôi không sao ngủ được chỉ mong trời mau sáng để vào tuyến. Gần sáng trời bỗng nhiên chuyển gió, cơn mưa rừng ào ào trút nước. Sáng ra, mưa đã ngớt, đường số 6 dốc cua tay áo, đặc quánh sương mù, anh lái xe phải bật đèn sương mù dò dẫm đi. Ðến ngã ba Tòng Ðậu cách bản Lác 7km,  là đại bản doanh của tổ tư vấn số 9. Chúng tôi tới vị trí móng 368, đây là vị trí gần đường nhất, cách đường số 6 khoảng 5 km và phải đi bộ 2 km, trèo núi tầm 500 m mới tới nơi, tại đây đơn vị thi công đã dựng được 2/3 thân cột. Kỹ sư, Tổ trưởng tổ giám sát Trần Hồng Cương cho biết: Do địa chất phức tạp nên móng cột này phải đúc trong ba tháng mới xong,  chỉ tính sắt thép đã nặng tới 67 tấn. Cái núi này toàn đá tai mèo nhọn hoắt, dốc dựng đứng, vận chuyển, mang vác nguyên vật liệu bằng cách nào? Xi-măng, đá, cát sỏi phải thuê lao động thủ công gùi lên, có nhiều lần phải dùng  ngựa thồ đấy, sắt thép thì bên thi công đã có sáng kiến làm tời đưa lên, anh Cương giải thích. Giám sát thi công giữa rừng sâu núi thẳm này liệu có ai đó mềm lòng cho qua một vài chi tiết cho đỡ mệt không, tôi hỏi Cương, anh trầm giọng: Không đâu chị ơi, chúng em xác định đường dây này về sau chúng em phải quản lý vận hành, làm cẩn thận hôm nay đỡ khổ ngày mai mà. Trên toàn tuyến có 633 vị trí móng đều phải được thi công và giám sát chặt chẽ, như vậy việc vận hành sau này mới an toàn.

 

Tạm biệt các chàng trai truyền tải, chúng tôi lên Sơn La, qua Mộc Châu, những vườn mận nở hoa trắng xóa, thi thoảng xuất hiện trên mỏm đá ven đường những cô gái Mông  trong bộ váy áo sặc sỡ cầm ô tán gẫu, tôi chợt nhớ người Mông đón năm mới được một tuần rồi.

 

Qua thị trấn Hát Lót, anh lái xe thông báo sẽ đi tắt tới nhà máy chứ không vào thành phố Sơn La nữa, thế là giảm bớt được 30 km rồi. Thị trấn Ít Ong giờ đã sầm uất hơn, hàng quán mọc lên như nấm. Thị trấn miền sơn cước nhỏ bé của Mường La giờ đang hối hả phục vụ hàng vạn công nhân trên đại công trường Thủy điện Sơn La. Phó ban Quản lý dự án Hoàng Trọng Nam kiêm trưởng ban chuẩn bị sản xuất, vừa gặp chúng tôi đã phân bua: Anh Hà trưởng ban đang đi Lai Châu để chuẩn bị khởi động dự án Thủy điện Lai Châu. Vừa qua tranh thủ hồ Hòa Bình chưa xả nước đổ ải, chúng tôi đã vận chuyển thành công  một lô hàng thiết bị siêu trường siêu trọng, trong đó có máy biến áp nặng 282 tấn bằng  đường thủy. Sáng hôm sau, trời vẫn đổ mưa, công trường lầy lội, chúng tôi đội áo mưa đến nơi mà tháng 5 này sẽ  nút cống nắn dòng. Vũ Ðình Tuân, kỹ sư trẻ của Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) đang cùng các đồng nghiệp kiểm tra một số chi tiết máy sẽ được lắp đặt vào tổ máy 1. Tuân cho biết, em là người may mắn nhất lớp vì vừa tốt nghiệp Ðại học Bách khoa đã được về làm việc tại đại công trường. Theo Tuân đây mới là nơi học được nhiều nhất, Tết này sẽ đón giao thừa tại công trường.

 

Tôi đứng giữa một con đập đã hình thành với cao độ 146 m, nhiều nhóm thợ của Công ty Sông Ðà 9 đang vớt  bùn làm sạch bề mặt đập để cho những chiếc xe ben thực hiện công đoạn đổ bê-tông đầm lăn. Mỗi ngày đơn vị thi công phải đổ được 5.000 m3, ngày cao điểm đổ tới 8.000 m3. Cao trình của con đập này là 228 m. Khi nhà máy vào vận hành chỗ tôi đang đứng sẽ chìm trong đất đá. Tôi tin rằng tháng 12 năm nay, tổ máy 1 sẽ được đưa vào vận hành, Thủy điện Sơn La sẽ không lỗi hẹn.

 

Chúng tôi vừa nhận được tin, các đơn vị thi công đã đúc xong 633 vị trí móng và dựng được hơn 600 cột, như vậy đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan sẽ hoàn thành đúng tiến độ và sẵn sàng tải điện từ Nhà máy Thủy điện Sơn La.

 

 

 

Theo ND Online

Tệp đính kèm