Cập nhật: 15/03/2010 22:40:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên cho những vùng, ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động

Việt Nam hiện có khoảng 49,5 triệu lao động và mỗi năm lại có thêm gần 1,5 triệu người tham gia vào thị trường này. Đây vừa là lợi thế vừa là thách thức trong vấn đề việc làm. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu lao động không ăn khớp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm giảm đáng kể hiệu quả sử dụng nguồn nội lực dồi dào tiềm năng này. Thị trường lao động lúc nào cũng sôi động, nhưng việc làm thì thiếu ổn định, bền vững. Để giải bài toán tổng hợp này, cùng với vai trò của Nhà nước, cần phát huy tính chủ động của tất cả các bộ ngành, địa phương, của từng doanh nghiệp và bản thân người lao động.

 

Sự sôi động của thị trường lao động thể hiện qua công việc của hàng trăm trung tâm và hàng nghìn doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, mỗi năm đáp ứng nhu cầu cho hàng triệu lượt người. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa rồi càng làm cho nhu cầu việc làm trở nên bức xúc. Các hội chợ, phiên chợ, điểm hẹn, sàn giao dịch việc làm,... được tổ chức liên tục ở nhiều nơi. Thị trường này sôi động đến mức nếu gõ từ khóa cơ hội việc làm vào trang tìm kiếm trên mạng Google, thì chỉ sau 0,21 giây có thể tìm được hơn 4 triệu địa chỉ. Người lao động nhờ đó cũng chủ động hơn trong tìm kiếm việc làm.

 

Đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm, tích cực nhất là các tỉnh, thành đoàn, các trường đại học, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các khu công nghiệp, các tổ chức hội nghề nghiệp và một số cơ quan báo chí. Trong đó, Đài Tiếng nói Việt Nam năm 2009 lần đầu tiên tổ chức Ngày hội việc làm trên sóng phát thanh. Và ngày 11/3/2010, hoạt động có ý nghĩa lớn này được thực hiện lần thứ hai, tạo cơ hội cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Đó là đông đảo thanh niên, phụ nữ, là những nhóm lao động chuyên ngành đặc thù; có cả nhóm lao động yếu thế, thiếu cơ hội học tập, lao động ở các vùng thường xuyên gánh chịu thiên tai, dịch bệnh và cả người tàn tật. Ngày hội việc làm trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam cũng góp phần đưa thông tin đến lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi cao, tạo cơ hội cho họ tìm được việc làm phù hợp.                                              

 

Cũng thông qua sự sôi động của thị trường này mà không khó khăn gì để nhìn ra những tồn tại, bất cập trong vấn đề lao động và việc làm ở nước ta hiện nay, mặc dù chưa có các con số tổng kết, so sánh cụ thể, chính thức. Đó là chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững trong việc làm thấp. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm và không ăn khớp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm giảm đáng kể hiệu quả sử dụng nguồn lực dồi dào này.

 

Theo ý kiến của các chuyên gia, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, không một quốc gia nào có được sự ăn khớp giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Tuy nhiên, chí ít thì việc chuyển dịch cơ cấu lao động phải theo sát và cùng nhịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để làm được điều đó, đối với nước ta, điều quan trọng là cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên cho những vùng, ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động. Đó là các vùng kinh tế động lực, khu vực dân doanh với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là kinh tế trang trại, hợp tác xã, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Đó là khu vực dịch vụ, ưu tiên những ngành nghề có khả năng khai thác tiềm năng, thế mạnh của đất nước và con người, phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn cần được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ. Ở đây cần sự chủ động của các địa phương và sự quan tâm thường xuyên, có hiệu quả của tất cả các bộ ngành. Về phía các doanh nghiệp cần quan tâm tạo dựng thương hiệu gắn với chiến lược thu hút và sử dụng nguồn nhân lực, không để rơi vào tình trạng là nơi dừng chân tạm thời của những lao động giỏi, cũng không biến doanh nghiệp thành trường đào tạo nghề miễn phí.                                                                     

 

Còn Nhà nước tập trung tạo việc làm thông qua các chính sách, nguồn lực hỗ trợ, thực hiện các dự án về tín dụng việc làm với lãi suất ưu đãi, gắn dạy nghề với tạo việc làm. Cùng với đó là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm phổ biến rộng rãi cho mọi đối tượng có nhu cầu, chuẩn hoá các trung tâm và các cơ sở giới thiệu việc làm. Một công việc quan trọng nữa là nâng cao chất lượng nguồn lao động cả về thể chất và học vấn, về trình độ chuyên môn, kĩ năng tay nghề, về ý thức kỉ luật, tác phong công nghiệp.

 

Chỉ khi làm tốt những công việc vừa nêu, thị trường lao động của Việt Nam mới thực sự là công cụ hữu hiệu thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo sát và cùng nhịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy hiệu quả của nguồn nội lực dồi dào này trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

 

 

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm