Cập nhật: 19/03/2010 14:38:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cho ý kiến về dự thảo Luật Nuôi con nuôi, các thành viên UBTVQH hầu hết đều nhất trí với bản Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo đó, xác định độ tuổi được nhận làm con nuôi là dưới 16 tuổi.

Tại phiên thảo luận chiều 18/3, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với bản Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo đó, xác định độ tuổi được nhận làm con nuôi là dưới 16 tuổi. Việc quy định như vậy là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và Công ước Lahay năm 1993.

 

Về vấn đề lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi, các đại biểu đồng ý với quy định người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi là hoàn toàn đúng theo tinh thần Pháp lệnh Phí và Lệ phí đã ban hành.

 

Tuy nhiên, về chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi của người nước ngoài, như chi phí cho việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi; chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục từ khi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi; hoặc các chi phí khác như làm hồ sơ, công chứng, chứng thực, thủ tục hộ chiếu, làm visa… các đại biểu đề nghị phải xem xét kỹ khi đưa ra vấn đề này.

 

Có ý kiến cho rằng, việc nhận nuôi con nuôi là một việc làm nhân đạo, không vì mục đích kinh tế nên đề nghị không thu phí. Nhưng thực tế cho thấy, có thời điểm do số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi cao (khoảng 4.000 em/năm) thì nhiều cơ sở nuôi dưỡng phải ngừng hoạt động do có quá ít kinh phí để thực hiện các chi phí.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đặt ngược vấn đề, nếu không thu phí thì lấy nguồn tiền này ở đâu; đồng thời cho rằng, nếu cho phép thu phí mà không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng biến tướng mua, bán trẻ em, chứ không phải cho, nhận con nuôi nữa.

 

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần chỉnh sửa lại dự thảo này cho phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước Lahay và thực tiễn hiện nay.

 

* Trong chiều 18/3, các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bưu chính. Theo đó, các đại biểu nhất trí cho rằng, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền tham gia vào thị trường hoạt động bưu chính trên nguyên tắc cạnh tranh, trong khuôn khổ của pháp luật.

 

Tuy nhiên, đối với dịch vụ bưu chính làm nhiệm vụ công ích (như thực hiện dịch vụ bưu chính đến vùng sâu, vùng xa; bưu chính có tính chất Mật…) thì việc giao cho một doanh nghiệp nhà nước là hoàn toàn phù hợp.

 

Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

 

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về một số vấn đề "nóng" mà xã hội đang rất quan tâm vào ngày 19/3.

 

 

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm