Cuộc sống hiện đại, bùng nổ công nghệ thông tin, việc nghiện game hay các trò chơi điện tử trong giới trẻ đang trở thành báo động trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, hiện tượng mải chơi game đến quên ăn, quên ngủ, trở thành tâm thần không còn là hy hữu. Nguy hiểm hơn, đã có trường hợp mê chơi game đến mức ngất xỉu, đột tử ngay trên bàn phím...
Bi kịch của thế giới ảo…
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tinh thần mà những người nghiện game, đặc biệt là học sinh, sinh viên mắc bệnh hay kéo theo nghiện một loạt những tệ nạn khác như: bỏ học, cờ bạc, nợ nần…thậm chí nhiều người trở thành tội phạm. Không ít học sinh, sinh viên vì học theo những hành động và cách ứng xử “lạ” của những nhân vật vốn chỉ có ở các trò chơi, ở thế giới tưởng tượng đã có những biểu hiện lệch lạc về hành vi, ứng xử, ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành và phát triển nhân cách.
Theo TS. Ngô Thanh Hồi - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương - Một trong những bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân nghiện game tại Việt Nam, hầu hết các bệnh nhân tới điều trị tại bệnh viện đều nghiện game rồi nghiện luôn cả cờ bạc và có tới 90% dẫn tới vỡ nợ, khiến tinh thần hoảng loạn, trở thành tâm thần.
Theo điều tra trên thế giới cứ 12 game thủ thì có tới 1 người nghiện game, như vậy ở Viêt Nam hiện có hàng chục triệu người chơi game thì số người nghiện cũng không nhỏ hơn Hàn Quốc là mấy (Hàn Quốc hiện có 2000 con nghiện, được coi là một trong những quốc gia có % số người nghiện game lớn trên thế giới, bình quân cứ 3 người trưởng thành có một người nghiện game). Theo TS. Ngô Thanh Hồi, ở nước ta hiện nay, số lượng bệnh nhân nghiện game ở nam thường nhiều gấp 3 lần nữ và những học sinh, sinh viên khối KHXH thường ít bị nghiện hơn so với học sinh, sinh viên khối KHKT và KHTN. Điều này cũng dễ lý giải bởi những học sinh, sinh viên khối KHKT và KHTN có điều kiện tiếp xúc và giỏi công nghệ thông tin hơn.
Nhưng Theo TS. Hồi, đáng báo động nhất hiện nay là loại game sex đang hoành hành tràn ngập trên mạng. Ở Viêt Nam, những game thủ nghiện loại này đang ngày một gia tăng và mức độ nguy hiểm cũng ngày một nghiêm trọng. Đáng quan ngại nhất, những tín đồ của loại game này thường có những biểu hiện bệnh hoạn, kỳ quặc trong sinh hoạt, thậm chí còn phạm tội.
Có tới một nghìn lẻ…một nguyên nhân dẫn tới học sinh, sinh viên nghiện game, ngoài những nguyên nhân chủ quan do hoàn cảnh gia đình và bản thân thì một trong những nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp tới các em, là sự xâm nhập và phát triển ồ ạt không kiểm soát được của các phần mềm game kích dục. Bất kỳ ở đâu, hễ chỉ cần lên mạng là các em có thể truy cập được dễ dàng. Lứa tuổi nghiện game lại chủ yếu là giới trẻ, tuổi hiếu kỳ hay tò mò và muốn khám phá. Với sự biến tấu muôn hình vạn trạng của game online, đặc biệt là những phần mềm game có nội dung xấu dễ dàng tấn công và lôi kéo những tâm hồn non nớt mới lớn. Những bài học khô cứng, giáo điều trên lớp, chắc chắn sẽ khó hấp dẫn và ăn sâu, bám dễ vào tâm hồn các em nhanh bằng những trò chơi game sôi động? Và sự tấn công, đầu độc liên tục, bền bỉ của luồng văn hóa độc hại này, cộng với sự buông lỏng quản lý của gia đình phần nào đã đẩy các em rơi vào bi kịch của thế giới ảo- game online.
Vắc xin đặc trị là…
Với những hậu quả khôn lường, từ lâu cả thế giới đã vào cuộc tìm kiếm “vắc xin” đặc trị căn bệnh này, quyết liệt nhất là những cường quốc về công nghệ thông tin như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…, nhưng kết quả không mấy tiến triển.
Theo TS. Ngô Thanh Hồi, hiện trên thế giới đã bắt đầu xuất hiện phương thức “lấy độc trị độc”, dùng game an thần để trị bệnh nghiện game nhưng hiệu quả chưa thể khẳng định và ứng dụng phần mềm này ở Việt Nam lại hoàn toàn chưa có, vì thế muốn trị bệnh, phương pháp truyền thống hữu hiệu vẫn là dùng liệu pháp tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sáu - Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, người đã trực tiếp khám và điều trị nhiều trường hợp thành công cũng cho biết: Hầu hết những game thủ say mê đến mức nghiện, trở thành bệnh lý lại là những học sinh, sinh viên ưu tú, thông minh, con nhà khá giả. Đã có trường hợp sinh viên được chị điều trị vốn là con nhà nòi, học giỏi thi đỗ 2 trường đại học, nhưng chỉ vì mải chơi game, say đắm với những cuộc chinh chiến viễn tưởng trên mạng, khiến việc học hành bê trễ, liên tục đúp tại các học phần. Thất bại, chán nản với kết quả học tập, cậu lại càng lao vào game để chạy trốn các mối quan hệ, cá cược ăn tiền rồi dẫn đến vỡ nợ, bị đuổi học và chỉ đến lúc đó gia đình và người thân mới phát hiện.
Bệnh nghiện game tuy không có thuốc đặc trị nhưng cũng như những bệnh lý khác, càng phát hiện ở giai đoạn đầu càng dễ điều trị. Thế nhưng theo bác sĩ Sáu, mấy chục năm công tác tại khoa, chị chưa thấy trường hợp nào con nghiện tự tìm tới cai mà hầu như gia đình, người thân phải ép, thậm chí dùng biện pháp mạnh, cưỡng chế các con nghiện mới tới bệnh viện hay các trung tâm.
Việc cai nghiện cho những game thủ cũng vô cùng phức tạp và mất thời gian. Theo bác sĩ Sáu, thường các bệnh nhân phải điều trị từ 6 tháng đến 1, 2 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Những bệnh nhân này thường có tâm lý không bình thường, ngại tiếp xúc, vì thế việc tiếp cận các em cũng hết sức khó khăn. Phải kiên trì mới có thể trò chuyện, gần gũi, để các em tin tưởng rồi dần dần giảng giải thuyết phục các em.
Thông thường, sinh viên và những người trưởng thành bao giờ cũng dễ điều trị hơn các em nhỏ, không chỉ bởi tư duy của họ phát triển hơn, mà bao giờ những con nghiện kiểu này cũng do nguyên nhân tâm lý tác động. Có thể do thất tình, thất nghiệp, thi trượt…chán nản cuộc sống thực tại nên tìm tới thế giới ảo.
Chính vì thế, để trị tận gốc căn bệnh này việc tìm hiểu rõ nguyên nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dù có tới một nghìn lẻ một nguyên nhân khiến các em sa vào vòng xoáy của các trò chơi game, nhưng theo bác sĩ Sáu, hầu như các học sinh, sinh viên nghiện game trở thành tâm thần đều có hoàn cảnh gia đình không bình thường. Gia đình không phải là tổ ấm để các em trở về sau những giờ học, giờ làm việc căng thẳng, bố mẹ lại có những cách dạy con khác nhau khiến đứa trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, không cảm nhận được tình yêu thương của người thân. Chính vì vậy, muốn kéo các em ra khỏi vũng lầy của tệ nạn, của những luồng văn hóa độc hại không gì hơn là sự quan tâm, săn sóc của gia đình, của người thân và tam giác cá nhân - thầy thuốc - gia đình bao giờ cũng là những yếu tố tiên quyết, không thể thay thế!
Theo Báo điện tử ĐCSVN