Trước tình hình biến động về giá cả trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải điều chỉnh mức chi của các dự án xóa đói giảm nghèo để đảm bảo tính hiệu quả của việc triển khai các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Trên tinh thần đó, ngày 29/3/2010, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 44/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Thông tư sửa đổi quy định về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn của dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, cụ thể: hỗ trợ chi phí về giống và vật tư chính mức tối đa 100% và không quá 5.000.000 đồng/hộ đối với hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và mức tối đa là 50% và không quá 3.000.000 đối với hộ nghèo ở các vùng khác; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt mức tối đa 100% và không quá 5.000.000 đồng/hộ đối với hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và mức tối đa là 50% và không quá 3.000.000 đồng/hộ đối với hộ nghèo ở các vùng khác.
Thông tư này cũng sửa đổi, bổ sung nội dung và mức chi đối với các dự án dạy nghề cho người nghèo. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp có đề án tự tổ chức dạy nghề theo hình thức truyền nghề, vừa học vừa làm và nhận người nghèo vào làm việc ổn định tại doanh nghiệp tối thiểu 24 tháng (áp dụng đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện công nhận là cơ sở dạy nghề); mức hỗ trợ cụ thể tuỳ thuộc vào hình thức và thời gian dạy nghề của doanh nghiệp và theo hợp đồng đặt hàng của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng tối đa là 1.500.000 đồng/người nghèo để chi cho các nội dung gồm thù lao giáo viên dạy lý thuyết và giáo viên hướng dẫn thực hành nghề, nguyên, nhiên, vật liệu học nghề và tiền ăn cho người nghèo trong thời gian học nghề là 15.000 đồng/ngày thực học/người
Theo Báo điện tử ĐCSVN