Cập nhật: 12/04/2010 14:52:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịch lợn tai xanh đang bùng phát ở một số địa phương tại khu vực miền Bắc. 3 tỉnh đang có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày là Hải Dương, Thái Bình và Thái Nguyên.

Ngoài yếu tố thời tiết khiến dịch lợn tai xanh bùng phát còn do người dân giấu dịch và đàn lợn chưa được tiêm phòng đủ liều vaccine. Để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh trên đàn lợn, các địa phương và cơ quan thú y tăng cường triển khai các biện pháp.

 

Trong số 3 tỉnh đang có dịch lợn tai xanh thì Hải Dương là địa phương phát hiện dịch đầu tiên. Ngày 28/3 dịch lợn tai xanh xuất hiện ở 4 xã là Tân Việt, Nhân Quyền, Thái Học và Hồng Khê huyện Bình Giang với triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, đỏ toàn thân, ho, tiêu chảy. Sau đó, ngày 29/3 dịch lợn tai xanh xuất hiện ở 3 xã Tiên Động, Quang Trung và Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ. Đến ngày 8/4, xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc cũng có lợn mắc chứng bệnh tương tự. Đến nay, ở Hải Dương đã có hơn 650 con lợn mắc, trong đó có gần 100 con bị chết và một số con được chữa khỏi.

 

Nguyên nhân khiến dịch lợn tai xanh bùng phát ở Hải Dương do thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao ảnh hưởng đến sức đề khác của gia súc. Ngoài ra, còn do điều kiện chăn nuôi không đảm bảo kỹ thuật, vệ sinh kém, lợn không được tiêm phòng đầy đủ, thậm chí người dân còn bán tháo lợn bệnh cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch tái phát.

 

Trước tình hình này, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cấp 6 tấn thuốc sát trùng để các huyện thực hiện việc tiêu độc khủ trùng, vệ sinh môi trường. Các xã có lợn ốm đều thành lập chốt, ngăn chặn việc buôn bán, giết mổ lợn bệnh. Những hộ chăn nuôi và thợ thịt cam kết không bán tháo lợn ốm. Chi cục Thú y phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường, y tế để tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Ông Phạm Đình Nghị, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho biết: “Đối với xã có dịch, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ số lợn ốm, tiêu huỷ số lợn mắc bệnh nặng theo Quyết định 80 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những con lợn bệnh nhẹ được cách ly triệt để, chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị bệnh chế phát; tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại 1 tuần 2 lần; tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân về bệnh tai xanh và hướng dẫn bà con thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch; ký cam kết không mua bán lợn bệnh, không vứt xác lợn bừa bãi”.

 

Hiện dịch tai xanh cũng xảy ra trên đàn lợn 41 con của một gia đình ở xã Lương Phú, huyện Phú Bình, Thái Nguyên với 21 con mắc bệnh. Còn tại tỉnh Thái Bình, dịch lợn tai xanh cũng bùng phát ở 8 trong tổng số 44 xã ở huyện Đông Hưng với trên 1.000 con lợn mắc bệnh và chết. Đây cũng là ổ dịch cũ từ năm 2008. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn ở Đông Hương gặp những khó khăn.

 

Ông Vũ Duy Việt, trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đông Hương nói: “Bệnh tai xanh thường điều trị lâu, cho nên kinh phí điều trị lớn. Trong khi đó, do đội ngũ thú y ở xã còn mỏng và thú y viên chưa có trợ cấp nên khi điều họ vào phòng chống dịch có hạn chế. Việc tiêm phòng các bệnh đỏ ở vụ xuân hè do tỷ lệ tiêm còn thấp cho nên điều trị những bệnh bộ nhiễm phải điều trị nhiều. Con nào mắc tai xanh thường mắc các bệnh khác như đóng dấu, tụ huyết trùng. Có những con mắc cả dịch tả nên khâu điều trị khó. Việc quản lý giết mổ cũng chưa được quyết liệt lắm nên khó khăn trong quản lý, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch”.

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch lợn tai xanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 14, chỉ đạo các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tăng cường công tác phòng, chống hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (hay còn gọi là dịch bệnh lợn tai xanh). Trong đó, biện pháp cách ly lợn ốm là quan trọng. Các địa phương giám sát không để người chăn nuôi bán tháp lợn bệnh và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Đối với đàn lợn chưa mắc bệnh phải tổ chức tiêm phòng ngay các bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng và bệnh phó thương hàn.

 

Ông Văn Đăng Kỳ, trưởng phòng vệ sinh dịch tễ, Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Cục Thú y cũng như cơ quan thú y vùng 1, vùng 2 ở 2 địa bàn chính của các tỉnh có dịch tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện dịch và chỉ đạo công tác chống dịch, hướng tới giám sát trực tiếp và theo dõi đến tạn gia đình để phát hiện. Cán bộ trực 24/24 trong đường dây nóng. Các tỉnh đang triển khai đồng loạt vaccine tiêm phòng. Địa phương nào có khó khăn, chúng tôi có dự trữ quốc gia để hỗ trợ vaccine và hoá chất khử trùng tiêu diệt dịch sớm nhất”.

 

Cơ quan chức năng cảnh báo, hiện thời tiết đang tạo điều kiện thuận lợi để dịch lợn tai xanh bùng phát và lây lan. Vì vậy, người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại, khi thấy lợn có triệu chứng bỏ ăn, sốt cao, đỏ toàn thân, ho… phải báo ngay cho cơ quan thú y cơ sở; tuyệt đối không được bán chạy lợn bệnh. Chính quyền và cơ quan chức năng cần triển khai quyết liệt các biện pháp trong việc phối hợp để phát hiện sớm và ngặn chặn, không để dịch lợn tai xanh bùng phát và lây lan./.

 

 

 

Theo VOV News

 

Tệp đính kèm