Ngày 31/5 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy làm Ngày Thế giới không thuốc lá. Tuy nhiên, tại Việt Nam hút thuốc nơi công cộng vẫn còn phổ biến, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ tổn hại sức khoẻ và con số hàng triệu người chết mỗi năm trên toàn thế giới.
Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá có xu hướng tăng
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, hiện ngành công nghiệp thuốc lá không ngừng nỗ lực tìm kiếm những khách hàng mới để thay thế cho những khách hàng đã bỏ thuốc hoặc chết sớm vì các bệnh do hút thuốc. Trong số những nhóm đích mà các công ty thuốc lá đang hướng tới thì phụ nữ chính là đối tượng quan trọng nhất bởi hiện nay tỉ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá (kể cả thuốc hút và thuốc nhai) còn khá thấp.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thuốc lá thường làm phụ nữ hiểu sai rằng hút thuốc lá là biểu hiện của tự do và cũng có nhiều phụ nữ tin rằng hút thuốc là một biện pháp giảm cân, giữ dáng. Do đó phụ nữ đang đứng trước nguy cơ cao mắc nhiều loại ung thư như: các bệnh ung thư phổi, miệng, họng, thực quản, thanh quản, bàng quang, lá lách, thận và cổ tử cung và có thể cả ung thư vú tiền mãn kinh.
Chính vì vậy, với chủ đề "Thuốc lá và Giới", Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay tập trung vào việc ngăn ngừa tác động của hoạt động quảng cáo thuốc lá và hút thuốc thụ động đối với phụ nữ. Đồng thời, cũng hướng tới những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho nam giới để họ thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, trẻ em và những người đang hàng ngày sống và làm việc cùng họ khỏi bị hút thuốc thụ động.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 5,4 triệu người tử vong vì các căn bệnh liên quan tới thuốc lá. Trong đó, số ca tử vong ở Việt Nam là khoảng 40 nghìn người. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số người tham gia hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với 56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới. Tác hại ghê gớm của thuốc lá đối với sức khỏe con người được WHO ví như là một “đại dịch” nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Các chuyên gia y tế thế giới đã khuyến cáo các căn bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc lá như các bệnh về phổi, tim mạch, răng miệng… có nguy cơ tử vong. Thậm chí, những người trực tiếp ngửi phải khói thuốc cũng không thể tránh khỏi những căn bệnh này. Vì thế, hút thuốc lá không những ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người sử dụng mà còn cho những người xung quanh, để lại những gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn phổ biến ở Việt Nam
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2010, thuốc lá bị cấm hút triệt để tại các nơi công cộng như: lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 - 100.000 đồng cho mỗi lần vi phạm. Tuy nhiên, đã 5 tháng trôi qua, khói thuốc vẫn xuất hiện nhiều tại khu vực công cộng và hiệu quả thực thi của lệnh này hiệu quả vẫn chưa cao.
Kết quả khảo sát của Chiến dịch “Thuốc lá đang tàn phá cơ thể bạn từ bên trong” do Bộ Y tế Việt Nam, Quỹ Lá Phổi thế giới, Tổ chức Y tế thế giới công bố mới đây cho thấy: 77% số người được phỏng vấn tại Việt Nam sau khi xem quảng cáo của chiến dịch đã phản đối việc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi công cộng và hơn 80% những người hút thuốc nói rằng họ cảm thấy băn khoăn về sức khỏe của bản thân và về tác hại của khói thuốc lá đến sức khỏe của gia đình họ sau khi xem quảng cáo.
Như vậy, có thể thấy rằng, một trong những phương thức để tác động có hiệu quả tới nhận thức của những người đang hút thuốc là sử dụng những hình ảnh mạnh để truyền tải thông điệp khói thuốc gây nguy hại cho cả những người hút thuốc trực tiếp và những người hít phải khói thuốc thụ động, đặc biệt là trẻ em.
Nhưng thực tế hiện nay, ngay cả những nơi công sở, bệnh viện mặc dù có treo biển cấm hút thuốc lá vẫn rải rác xuất hiện khói thuốc bởi hút thuốc lá đã trở thành thói quen khó bỏ của những “người nghiện chất nicotine” và đặc biệt là những người xung quanh mặc nhiên thừa nhận hành vi hút thuốc của người khác là chuyện bình thường và dễ dàng chấp nhận. Vì vậy, cấm hút thuốc nơi công cộng chỉ còn trông chờ vào ý thức tự giác của mỗi người.
Khảo sát nhanh tại bến xe Giáp Bát, theo quan sát của phóng viên, khói thuốc, mẩu thuốc có ở khắp nơi, từ bãi trông xe, dãy ghế chờ cho đến khu vực đón trả khách. Anh Trần Đức Chính, đang chờ xe đi Nam Định, vừa rít thuốc vừa nói: “Tôi biết có lệnh cấm hút thuốc lá ở nhà chờ bến xe, nhưng tôi hút cũng có thấy ai nhắc gì đâu”. Quay sang hỏi một số người khác ngồi gần đó, họ nói cũng từng nghe qua về lệnh cấm này, nhưng chẳng thấy ai phạt, ai nhắc nhở gì nên cứ hút. Theo họ, hút thuốc đã thành thói quen.
Khi được hỏi về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, anh Nguyễn Minh Thành (người nhà một bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) nhanh nhảu đọc vanh vách các tác hại của thuốc lá. Anh phân trần: “Biết là có hại cho sức khỏe, nhưng mà nghiện thuốc lá mấy chục năm rồi, giờ bỏ sao được”.
Tại các cổng trường học trong giờ tan tầm cũng không khó để bắt gặp cảnh các bậc phụ huynh trong lúc đứng chờ con cũng rút thuốc ra hút mà không hề bị nhắc nhở.
“Mấy ông đến đón con sớm tí là tranh thủ rút điếu thuốc ra hút, rồi mời nhau. Mình có nhắc thì họ bảo hút đây là ngoài đường có ảnh hưởng đến ai đâu mà lo”, chị Ngô Thị Hương, có con học tại trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phàn nàn.
Trước những thực trạng trên, theo nhiều ý kiến của các nhà xã hội học, để phòng, chống hút thuốc lá hiệu quả, trước mắt các cơ quan chức năng nên chọn bệnh viện và trường học để làm thí điểm, sau đó nhân rộng ra, còn nếu thực hiện cấm tràn lan sẽ khó khả thi được./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN