Chỉ trong thời gian mấy ngày đầu tháng 6 đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Bệnh tiêu chảy cấp cũng có những diễn biến phức tạp vào thời điểm đầu mùa nóng này.
Đến thời điểm này, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, nếu người dân còn thiếu kiến thức về bệnh cũng như ý thức kém trong vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống phòng bệnh thì bệnh tả sẽ sớm quay trở lại.
Đứng đầu cả nước về số ca mắc tiêu chảy cấp nhưng chưa thể khoanh vùng, xác định nguồn lây hiện nay là tỉnh Bến Tre. Ngày 4/6, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 09/5/2010 đến ngày 03/6/2010, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận 21 bệnh nhân tiêu chảy cấp, xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Các trường hợp này đến từ 03 huyện: Mỏ Cày Nam (15 ca tại 07 xã/thị trấn), Mỏ Cày Bắc (04 ca tại 04 xã), Giồng Trôm (02 ca tại 02 xã). Nếu so với ngày 9/5/2010 phát hiện ca bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm đầu tiên, thì sau 25 ngày số ca bệnh tả đã tăng hơn 20 lần.
Qua điều tra dịch tễ cho thấy, hầu hết các trường hợp có tiền sử uống nước đá không rõ nguồn gốc, sử dụng nước lấy từ sông, kênh rạch gần nhà chưa qua xử lý để phục vụ sinh hoạt; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.
UBND tỉnh Bến Tre cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho công bố dịch để triển khai các biện pháp tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh quyết liệt hơn. Tình hình ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng.
Còn theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng, từ ngày 19/5 đến nay, dịch tiêu chảy cấp đã xảy ra tại 4 thôn, bản: Lũng Mần, Dình Phà, Ngàm Trái, Chè Lỳ B thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng với 140 người mắc bệnh, chủ yếu là trẻ em. Các bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp hầu hết đều có dấu hiệu sốt đau quặn, đi ngoài phân lỏng từ 5- 15 lần/ngày...
Cùng với bệnh tiêu chảy cấp, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn cũng đã xảy ra trong đầu tháng 6. Từ ngày 4-6/6, chỉ tính riêng xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã có đến 106 người bị các triệu chứng ngộ độc thức ăn sau khi dự tiệc cưới. May mắn là tất cả số này đều không bị ảnh hưởng đến tính mạng. Chiều 6/6, ông Lê Cảnh Cúc, bệnh nhân cuối cùng bị ngộ độc thức ăn ở xã Tân Thành đã được Trạm y tá xã cứu chữa vượt qua cơn nguy kịch và đã được cho trở về nhà để điều trị.
Đây cũng là thời điểm xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất tại Gia Lai những năm gần đây. 405 người dân xã Đất Bằng (Krông Pa) đã có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi tham gia lễ bỏ mả. Trong số này có 5 ca nặng, một sản phụ sau khi bị ngộ độc đã sinh non.
Chiều 5/6 vừa qua, hai người xã Hương Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cũng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn tiết canh lợn nhiễm khuẩn.
Chỉ trong tháng 5, trên toàn quốc đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 704 người mắc, 517 người phải nhập viện và đã có 10 trường hợp tử vong. Thống kê nguyên nhân các vụ ngộ độc cho thấy: 3 vụ do vi sinh vật, 6 vụ do nấm độc, còn lại là ngộ độc do sam biển, cá nóc, do độc tố Histamine trong cá ngừ và 7 vụ chưa xác định được căn nguyên bằng xét nghiệm.
Trong tháng 6 này, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh có nguy cơ từ thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, thực phẩm lưu thông trên thị trường bị ô nhiễm, ngộ độc do sử dụng thực phẩm chứa độc tố tự nhiên.
Làm gì để phòng bệnh tiêu chảy do vi khuẩn tả?
Điều quan trọng hàng đầu để phòng bệnh tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn tả là cần ăn "ăn chín, uống sôi". Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, không uống nước lã. Tốt nhất nên ăn lúc nào nấu chín lúc đó, không nên ăn thức ăn đã nấu chín nhưng để thời gian quá lâu mà không được bảo quản cẩn thận vì có thể ruồi, nhặng hoặc gián xâm nhập mang theo mầm bệnh trong đó có thể có vi khuẩn tả.
Nước để dùng rửa thực phẩm không nên dùng nước ao hồ, sông, suối. Dụng cụ dùng để chế biến, phân phối thực phẩm, dùng trong bữa ăn, uống (như bát, đũa, cốc, chén, muôi, thìa...) sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng vào nước đang đun sôi. Nếu nơi nào có nguy cơ bệnh tả thì việc làm này càng hết sức cần thiết.
Những người chế biến, phân phối thực phẩm cần rửa tay sạch bằng xà phòng và đi găng sạch trước khi bắt đầu công việc.
Đối với phân và chất thải của người bị tiêu chảy do vi khuẩn tả cần được quản lý thật tốt bằng cách cho vào hố xí có chất sát khuẩn mạnh, đặc biệt cần thiết cho những vùng nông thôn dùng hố xí bán tự hoại, hố xí 2 ngăn, hố xí hợp vệ sinh. Tất cả mọi người sau khi đi ngoài cần rửa tay sạch bằng xà phòng. Đối với những vùng có nguy cơ dịch bùng phát cần được dự phòng bằng vaccin phòng bệnh tả. Dùng vaccin phòng bệnh tả là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay, sử dụng đơn giản mà lại rất hiệu quả. Đối với những người làm công tác y tế thì cần phát hiện người lành mang vi khuẩn tả. Nếu phát hiện có người lành mang vi khuẩn tả cần phải điều trị triệt để và sử lý nguồn chất thải thật đúng quy trình nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.
Theo GD&TĐ Online