Cập nhật: 14/06/2010 15:47:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện ở nước ta còn 4,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em nghèo thuộc nhiều vùng, miền trong cả nước chưa được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, cần được sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Và vì thế, trong nhiều vấn đề cần quan tâm, giúp đỡ trẻ em nghèo, việc tạo điều kiện để các em được vui chơi, giải trí là hết sức quan trọng, vì việc này góp phần hình thành nên con người văn hóa của các em trong tương lai...

 

Báo cáo của nhóm công tác kỹ thuật của Chính phủ về phương pháp tìm hiểu và đo lường trẻ em nghèo ở Việt Nam (Dự án Trẻ em nghèo Việt Nam sống ở đâu? Xây dựng và áp dụng cách tiếp cận đa chiều về trẻ em nghèo - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - UNICEF Việt Nam, tháng 11-2008) chỉ rõ: "Vui chơi giải trí là một nhu cầu và quyền cơ bản của trẻ em. Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em đã quy định rằng, mọi Chính phủ thông qua Công ước này đều phải nhận thức rõ quyền được nghỉ ngơi và vui chơi của trẻ em (UNHCHR 1989)". Trong khi đó hiện nay, hàng triệu trẻ em nghèo ở nước ta đang phải sống trong hoàn cảnh nghèo về giáo dục, nghèo về chăm sóc y tế, nghèo về nơi ở, nghèo về điều kiện nước sạch và vệ sinh, nghèo về điều kiện vui chơi giải trí, nghèo về cơ hội được tham gia xã hội và được bảo vệ,... đặc biệt là nghèo về vui chơi giải trí.

 

So với trẻ em nông thôn, trẻ em thành thị có nhiều điều kiện tham gia hoạt động vui chơi giải trí vì hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở thành thị ngày càng vận hành linh hoạt và hệ thống dịch vụ vui chơi giải trí ngày càng gia tăng. Nhìn chung, trẻ em thành thị có nhiều sự lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí. Các em có cơ hội đến chơi ở công viên, thưởng thức nghệ thuật ở rạp chiếu phim, rạp xiếc, nhà hát; tham quan bảo tàng, nhà truyền thống, triển lãm; đọc sách ở các thư việc lớn, các nhà sách; tham gia sinh hoạt văn nghệ và thể dục thể thao tại câu lạc bộ, nhà văn hóa... Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em được hưởng thụ đầy đủ các hoạt động giải trí trên chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, còn ở những đô thị nhỏ thì hoạt động giải trị bị thu hẹp, thậm chí ngoài thư viện và công viên thì chẳng còn một không gian giải trí nào khác để trẻ em lựa chọn. Hơn nữa, tỷ lệ trẻ em được thụ hưởng các hoạt động trên chỉ tập trung ở các gia đình khá giả; ngoài việc có cơ hội lựa chọn những dịch vụ giải trí tại nơi cơ trú, các em còn có điều kiện tham gia nhiều hoạt động giải trí phong phú khác ở nhiều vùng miền khác thông qua du lịch. Trong quá trình phát triển của trẻ, hoạt động vui chơi giải trí đóng vai trò không kém phần quan trọng so với các hoạt động thiết yếu khác như bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Thông qua hoạt động vui chơi giải trí, trẻ em không những được rèn luyện thể chất mà còn kích thích tư duy sáng tạo và nhận thức của các em; sống trong môi trường có điều kiện vui chơi giải trí sinh động, lành mạnh sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách ở trẻ. Luật Bảo vệ - Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (2004) quy định trẻ em có quyền tham gia hoạt động giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch. Nếu như coi một môi trường sống có điều kiện vui chơi giải trí sinh động, lành mạnh cho trẻ em bao gồm đầy đủ các hoạt động giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch, thì quả thực là phần lớn trẻ em Việt Nam hiện nay nói chung, trẻ em nghèo nói riêng, vẫn chưa có cơ hội được sử dụng quyền của mình.

 

Trẻ em nghèo hiện đang sống trong điều kiện vui chơi giải trí vô cùng nghèo nàn cả về chất và lượng. Do hoàn cảnh gia đình, nhiều em không được phụ huynh quan tâm nhu cầu vui chơi giải trí, thậm chí thời gian nghỉ ngơi và vui chơi của các em được lấp đầy bằng việc lao động phụ giúp gia đình. Ðồ chơi và sách thiếu nhi hoặc truyện tranh được coi là tiêu chuẩn đầu tiên đánh giá mức độ tham gia vào những hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em; đối với trẻ em nghèo, việc sở hữu những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và những quyển sách truyện nằm ngoài khả năng tài chính của phụ huynh. Như vậy, khi đồ chơi và sách truyện là một vấn đề xa xỉ thì những vấn đề liên quan tới vui chơi giải trí hoặc các hoạt động giải trí khác lại càng trở nên xa xỉ hơn, nếu không muốn nói là viễn tưởng trong cuộc sống của các em. Ðã là nhu cầu thì luôn phải có các giải pháp đáp ứng nhu cầu, trẻ em nghèo không có điều kiện sở hữu đồ chơi mua ở cửa hàng (bảo đảm an toàn và phù hợp lứa tuổi) thì thường các em chơi với đồ chơi tự chế, ngoài một số trò chơi bổ ích như thả diều, ô ăn quan, đánh đáo... với những vật dụng dễ tìm như giấy báo, sợi chỉ, hòn đá, khúc gỗ,... thì hầu hết các đồ chơi tự chế đều có nguy cơ gây sát thương, hoặc ảnh hưởng không tốt cho trẻ khi thiếu vắng sự giám sát của người lớn. Trẻ em nông thôn, miền núi thiệt thòi hơn cả, vì thiết chế văn hóa cơ sở có hoạt động chuyên biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng hoặc dịch vụ vui chơi giải trí hầu như không có, các em không có cơ hội đọc sách báo, hoặc tiếp cận các văn hóa phẩm dành cho lứa tuổi như, không có cơ hội tham gia các trò chơi ở công viên, khu giải trí, bể bơi,... nên thường tham gia vào các hoạt động dễ gây rủi ro như trèo cây, tắm ao hồ... và những trò chơi tự phát khác không bảo đảm an toàn.

 

Từ năm 2000, Chỉ thị 55-CT-T.Ư của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Ðảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thật sự trở thành phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức Ðảng, chính quyền các cấp. Sau hơn mười năm thực hiện Chỉ thị, có thể thấy rằng, để tạo điều kiện cho trẻ thực hiện quyền được tham gia các hoạt động giải trí, ngoài vấn đề kinh tế, quan trọng hơn cả vẫn là nhận thức của toàn xã hội. Có thể nói, trẻ em nghèo là một trong những đối tượng thiệt thòi nhất xã hội. Nghèo ở lứa tuổi trẻ em có nguy cơ tạo thành một thế hệ nghèo trong tương lai và do vậy, xã hội đã có nhiều nỗ lực nhằm giúp trẻ em thoát nghèo. Tuy nhiên, dường như chúng ta chỉ mới quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ giáo dục, dinh dưỡng, còn vui chơi giải trí thì chưa được quan tâm thỏa đáng. Cùng với việc hỗ trợ cho các em cải thiện cái ăn, cái mặc và cái chữ, thiết nghĩ, hỗ trợ về điều kiện vui chơi giải trí cũng cần thiết không kém. Tham gia tích cực vào các hoạt động nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em nghèo, phải kể đến lực lượng thanh niên tình nguyện từ những đoàn thể các cấp và những nhóm tự phát. Khó có thể đong đếm hết niềm vui hân hoan của trẻ em nghèo khi "ngọn gió tình nguyện" đi qua địa phương nơi các em sinh sống. Lứa tuổi thanh niên sôi nổi, dễ hòa nhập đã giúp tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ em nghèo. Hoạt động tình nguyện không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ các em về tài chính, sách vở, quần áo, thực phẩm, giáo dục mà còn mở rộng ra nhiều hình thức như dạy vẽ, dạy múa hát, chơi các trò chơi tập thể... Tuy vậy trong một thời gian dài, hầu như những hình thức hoạt động trên được đóng khung, áp dụng đại trà cho tất cả những hoạt động tình nguyện.

 

Ðể nâng cao hơn nữa hiểu biết về tầm quan trọng của các hoạt động giải trí đối với trẻ em nói chung và trẻ em nghèo nói riêng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, đoàn thể, trường học và chính quyền. Phúc lợi xã hội ở các cấp nên kết hợp với những hoạt động tình nguyện hoặc từ thiện của các đoàn thể và chương trình của nhà trường để góp phần tạo ra sân chơi giải trí sinh động và lành mạnh cho các em. Ở thành thị, nơi có điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ hoạt động vui chơi giải trí, nguồn phúc lợi xã hội nên đầu tư hợp lý vào việc mở rộng sân chơi cho trẻ em nghèo; trong khi những thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm xây dựng ngày càng nhiều về số lượng thì cũng nên quan tâm đến chất lượng dịch vụ, tạo mô hình hoạt động để trẻ em nghèo có thể tham gia, tránh tình trạng xây dựng ồ ạt các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, thư viện... mà hiệu quả hoạt động không cao gây lãng phí, mang tính hình thức hoặc đơn thuần chỉ nhằm phục vụ những đối tượng có khả năng tài chính. Ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa, cần bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của cha mẹ, của cán bộ các ngành, các cấp.

 

Trẻ em nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương, chăm sóc bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em nghèo nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội. Hơn ai hết, chính các bậc phụ huynh phải là người dành sự quan tâm đặc biệt đến con em mình, tạo điều kiện cho các em được nghỉ ngơi và vui chơi, đồng thời hướng dẫn các em tham gia hoạt động vui chơi giải trí một cách an toàn nhất.

 

 

Theo Báo Nhandan Online

Tệp đính kèm