Cập nhật: 02/07/2010 15:52:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với vị trí địa lý thuận lợi, thị trường tiêu thụ rộng lớn, có khá nhiều nghề truyền thống, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều điều kiện để phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Do vậy, tạo cơ chế để ngành nghề nông thôn phát triển là một yêu cầu cấp thiết.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

 

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu), toàn tỉnh hiện có 6.911 cơ sở và 20.650 hộ gia đình tham gia sản xuất trong khu vực nông thôn với 23 ngành nghề khác nhau. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nghề như: làm bánh tráng, sản xuất bún, rượu, chế biến thủy sản, mộc gia dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt lưới, nuôi trồng sinh vật cảnh, dịch vụ vận tải, mây tre đan,...

 

Các ngành nghề nông thôn đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần nâng cao giá trị sử dụng nguồn tài nguyên, hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch. Theo thống kê, giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện đạt khoảng 382 tỷ đồng, đóng góp 1,25% GDP toàn tỉnh, giúp tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn với mức bình quân 17-18 triệu đồng/người/năm, gấp 2-3 lần so với lao động thuần nông.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chất lượng thấp, không đồng đều nên các ngành nghề nông thôn hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, nghề mây tre đan gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu tại chỗ, một số vùng nguyên liệu đang bị cạn kiệt. Theo ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất thương mại Hiệp Hòa, diện tích trồng tre, tầm vông ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, khiến nghề mây tre đan gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu, hoặc phải mua nguyên liệu giá cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

 

Đó là chưa kể một số ngành nghề do phát triển không theo quy hoạch nên đã gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là nghề chế biến hải sản. Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cho biết, hiện nghề chế biến hải sản không còn được như những năm trước. Nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu, công nghệ chế biến lạc hậu, sản phẩm khó cạnh tranh. Đáng lo ngại là nghề này đang lọt vào “danh sách đen” những nghề gây ô nhiễm môi trường.

 

Củng cố nghề truyền thống, phát triển nghề mới

 

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT xúc tiến xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Qua đó, phát triển ngành nghề nông thôn phải phát huy tính truyền thống của nghề và làng nghề, đồng thời tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hoá; tiếp tục củng cố các ngành nghề truyền thống như sản xuất bánh tráng, bún, nấu rượu, chế biến nước mắm; chú trọng phát triển các ngành nghề mới như bảo quản, chế biến rau quả, kinh doanh sinh vật cảnh, mỹ nghệ; xây dựng các làng nghề gắn với du lịch như bánh tráng An Ngãi, rượu Hòa Long, bún Long Kiên, làng lưới Sông Cầu... Theo ông Hà Văn Nghĩa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để đạt được mục tiêu đó cần có nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật. Nguồn vốn này sẽ được huy động theo nhiều kênh, trên cơ sở các hộ dân đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ chế biến.

 

Ông Ngô Thanh Tuấn, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hải cho biết, trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, xã Tân Hải (huyện Tân Thành) sẽ phát triển nghề sơ chế bảo quản rau. Theo đó, từ ba năm nay, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, mô hình sản xuất rau an toàn tại đây từng bước được hoàn thiện. Đây là mô hình mới, tiến hành theo chu trình an toàn khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm rau an toàn của HTX Phước Hải được nhiều người biết đến và ký hợp đồng thu mua với số lượng lớn.

 

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề để nâng cao trình độ cho lao động nông thôn, đảm bảo đủ khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ đào tạo từ 1.000-2.000 lao động/năm cho khu vực nông thôn.

 

Để ngành nghề nông thôn phát triển cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành, lãnh đạo các địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở ngành nghề nông thôn tìm hiểu thị trường, kết hợp tốt giữa sản xuất với phát triển các điểm tham quan du lịch. Khuyến khích các cơ sở, địa phương thu hút nghệ nhân, thợ lành nghề, củng cố nghề hiện tại và phát triển thêm các nghề mới.

 

 

 

  Theo kinhtenongthon.com.vn

 

Tệp đính kèm