Cập nhật: 03/07/2010 09:30:20 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời tiết đang trong những ngày nắng nóng nhất của mùa hè. Nắng nóng, độ ẩm không khí cao cộng với tình trạng vệ sinh môi trường kém là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh trên người phát triển mạnh.

Trong số này, có rất nhiều loại virus, vi khuẩn có hại, sinh trưởng nhanh và dễ lây nhiễm vào thực phẩm, làm tăng nguy cơ gây ngộ độc cho người dùng.

 

Để phòng chống dịch bệnh, mỗi người dân cần chủ động nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện phương châm “ăn chín uống sôi” nhằm chủ động phòng tránh những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng quan trọng nhất là khi các loại thực phẩm kém chất lượng vẫn được lưu hành tràn lan trên thị trường, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn chưa được loại trừ.

 

Bức xúc trước việc một số người kinh doanh thực phẩm, vì lợi nhuận mà bỏ qua sự nguy hại đến tính mạng của người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Chính, ở phường Kim Liên, Hà Nội, bày tỏ: “Có nhiều người bị sức hút của đồng tiền nên bất chấp tất cả. Họ chỉ làm vì lợi nhuận kinh doanh không quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm từ đầu vào đến khâu bảo quản chất lượng thế nào. Người tiêu dùng không biết rõ nguồn gốc, khi ăn bị tiêu chảy, bệnh nọ, bệnh kia và nguy hiểm hơn là bệnh ung thư…là do thực phẩm gây ra”.

 

Thống kê của phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) cho thấy: Trong 2 quý đầu năm, trên cả nước ghi nhận 67 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.618 người mắc, 27 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 6 vừa qua, tại 13 tỉnh, thành phố đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.079 người mắc, 1.005 người phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 4 trường hợp tử vong do ăn phải nấm độc, sam biển và sử dụng rượu có hàm lượng Methanol cao.

 

Nhằm ngăn ngừa những vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, đặc biệt trong mùa hè này, bà Trần Thị Thu Liễu, Phó Trưởng phòng Truyền thông- Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến cáo: “Chúng tôi đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và nâng cao tuyên truyền cho người dân- những người tiêu dùng thực phẩm nâng cao nhận thức về các mầm bệnh dễ phát triển, mắc bệnh vào mùa hè. Những nhà sản xuất, kinh doanh kiểm soát được tất cả những điều kiện đảm bảo cho một thực phẩm được an toàn để người tiêu dùng có được sản phẩm an toàn. Đối với người tiêu dùng, cũng phải biết cách chế biến thực phẩm, đảm bảo an toàn, phòng ngừa được ngộ độc thực phẩm trong mùa hè”.

 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu, khi lựa chọn thực phẩm, người tiêu dùng cần tìm mua những hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, khâu chế biến thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ... Quan trọng hơn là ý thức và đạo đức của người chế biến, kinh doanh thực phẩm.

 

Anh Nguyễn Minh Tân, một người chuyên làm bánh chưng ở làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho rằng: trong kinh doanh thì lương tâm cũng phải được đặt lên hàng đầu, coi sức khỏe người khác như chính sức khỏe của mình.

 

Theo bà Trần Thị Thu Liễu, Phó Trưởng phòng Truyền thông- Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hiện còn rất mỏng và chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, cộng với thực trạng lượng hàng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày rất lớn, nên cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát hết, người dân hãy tự biết bảo vệ  mình. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá nhẹ, chưa mang tính răn đe.

 

Bà Trần Thị Thu Liễu nói: Hiện nay, thanh tra Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm,  thanh tra Bộ Y tế và Chính phủ cùng các bên liên quan, đang xây dựng Nghị định xử phạt riêng về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

 

Trước nguy cơ các loại virus, vi khuẩn gây bệnh trên người phát triển mạnh và dễ bùng phát thành dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa cũng như nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

 

  

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm