Theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ - TBXH, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009.
Theo đó, người thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu như đảm bảo được những điều kiện sau:
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm, hoặc chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật lao động, hoặc chấm dứt HĐLV theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
- Đã đăng ký với Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTBXH trong vòng 7 ngày (tính theo ngày làm việc) khi bị mất việc làm, bị chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày đăng ký với TTGTVL thuộc Sở LĐTBXH theo quy định.
Ngoài ra, người lao động bị thất nghiệp còn cần phải có các điều kiện sau:
- Đã hoàn thiện và nộp hồ sơ hưởng BHTN trong vòng 15 ngày (Tính theo ngày làm việc) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp;
- Không thuộc diện đối tượng được hưởng lương hưu.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động bị thất nghiệp phải đến đăng ký với trung tâm giới thiệu việc làm thuộc sở LĐTBXH tỉnh, thành phố nơi đang làm việc trong vòng 7 ngày kể từ khi mất việc làm, và sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tính từ ngày thứ 16 (tính theo ngày làm việc), kể từ ngày đăng ký.
Người được bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng những chế độ sau: Trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm với thời gian được hưởng tối đa tùy theo thời gian đóng BHTN của người lao động; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tìm việc làm; Bảo hiểm Y tế.
Người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng BHTN nếu như vi phạm những điều sau: Không thông báo hàng tháng với Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc sở LĐTB&XH về việc tìm kiếm việc làm; Bị tạm giam.
Người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng BHTN nếu thuộc những đối tượng sau: Hết thời hạn trợ cấp thất nghiệp; Có việc làm; Thực hiện nghĩa vụ quân sự; Hưởng lương hưu; Sau 2 lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc sở LĐTB&XH giới thiệu mà không có lý do chính đáng; Không thực hiện khai báo với TTGTVL thuộc sở LĐTB&XH về việc tìm kiếm việc làm trong 3 tháng liên tục; Ra nước ngoài định cư; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sơ chữa bệnh hoặc chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo; Bị chết.
Để biết đầy đủ mọi thông tin về BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, mời độc giả tìm hiểu tại đây.
Theo HNM Online