Cập nhật: 14/07/2010 17:07:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng nóng, khô hạn là xảy ra tình trạng cung ứng điện căng thẳng, dẫn đến cắt điện trên diện rộng. Năm nay, mặc dù được dự báo trước, nhưng trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, tình trạng thiếu điện còn nghiêm trọng hơn, làm ảnh hưởng lớn sản xuất và đời sống sinh hoạt, gây bức xúc trong nhân dân, thiệt hại kinh tế - xã hội rất lớn.

 

Thiệt hại lớn vì bị cắt điện

 

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2010 của ngành công thương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) Vũ Ðức Giang bức xúc: Mất điện làm ảnh hưởng rất lớn sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. Nếu ban ngày cắt điện nhiều, sản xuất chuyển sang đêm thì chi phí đắt gấp bốn lần, chưa kể làm đêm thì công nhân hay bỏ việc, hợp đồng bị đổ vỡ... Nhiều lúc mất điện đột ngột do sự cố, cả mẻ vải hàng tấn đang nhuộm phải bỏ đi, thiệt hại không thể tính hết. Ông Vũ Ðức Giang ước tính, tình trạng thiếu điện thời gian qua khiến cho kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn sáu tháng đầu năm 2010 chỉ đạt 4,8 tỷ USD, hụt 200 triệu USD so kế hoạch. Tình trạng thiếu điện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất ở Hải Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và nhà máy lớn. Công ty Xi-măng Hoàng Thạch có ba dây chuyền với tổng công suất 3,5 triệu tấn/năm thì phải dừng sản xuất hai dây chuyền từ giữa tháng 6 đến ngày 7-7 do thiếu điện, ước tính sản lượng bị giảm hơn 150 nghìn tấn clanh-ke, chắc chắn ảnh hưởng lớn kế hoạch năm.

 

 Tại Hà Tĩnh, một trong những "chảo lửa" miền trung những ngày qua, tình trạng cắt điện  trên diện rộng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh thường xuyên bị cắt điện mà không được báo trước gây ảnh hưởng lớn sản xuất. Xí nghiệp chế biến Zircon thiệt hại 300 triệu đồng/ngày. Xí nghiệp Khoáng sản Cẩm Xuyên do thiếu điện chỉ vận hành một phần ba công suất, công nhân không có việc làm, vỡ hợp đồng xuất khẩu với đối tác, đời sống hàng trăm lao động càng khó khăn hơn. Ðối với thủy lợi, do tình trạng khô hạn, cắt điện, tiết giảm điện, cho nên nhiều trạm bơm ở Hà Tĩnh phải trực 24/24 giờ chờ nước, chờ điện để bơm. Dẫn đến cảnh, khi có điện, các trạm bơm đua nhau lấy nước, bơm chưa đủ thời gian đã hết nước, vùng cuối kênh thường xuyên chịu cảnh thiếu nước, đã hạn lại càng hạn. Vựa lúa huyện Ðức Thọ đang "sống dở chết dở" vì hạn do không có điện để bơm nước, gần hai nghìn ha bị hạn nặng. Hầu hết các trạm bơm nhỏ trong tỉnh thường xuyên chịu cảnh bị cắt điện không được báo trước. Ðó cũng là tình cảnh chung của các tỉnh miền trung. Không chỉ lúa và hoa màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở đây cũng lao đao vì mất điện.

 

Tại Hà Nội, nơi không phải thực hiện tiết giảm điện thì vẫn xảy ra cắt điện, mất điện nhiều nơi. Nắng nóng cộng với phụ tải tăng đột biến, có hôm lên tới gần 40 triệu kW giờ/ngày so với mức trung bình 29 đến 30 triệu kW giờ/ngày, cùng với hệ thống điện chưa hoàn chỉnh, là nguyên nhân chính gây các sự cố quá tải, chập, cháy, nhảy áp-tô-mát ở các khu vực. Hơn nữa, đúng vào những dịp đó, Tổng công ty Ðiện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) đang gấp rút hoàn thành các công trình nâng cấp, cải tạo lưới điện mùa hè và phục vụ Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho nên lịch cắt điện của đơn vị khá dày. Vì thế, nhiều khu trên địa bàn Thủ đô mất điện cả vào ban đêm, làm đảo lộn và gây khó khăn lớn cho sinh hoạt người dân, nhất là người già và trẻ em. Ngay cả những nơi được ưu tiên hàng đầu là các nhà máy nước cũng thường xuyên bị cắt điện. Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, tính từ ngày 22-6 đến 5-7, có tới 38 lần mất điện với tổng cộng 51 giờ 30 phút, số lần thông báo trước chỉ chiếm chưa đến 20%. Lãnh đạo công ty và EVN Hà Nội đầu tháng 6 vừa qua đã ký kết giao ước bảo đảm cung ứng điện đầy đủ. Tuy nhiên, tình hình chỉ cải thiện được đôi chút. Phòng Thanh tra của công ty cho chúng tôi biết hoàn toàn thông cảm với những khó khăn của ngành điện, nhưng việc cắt điện không báo trước cũng khiến đơn vị bị động trong sản xuất. Mấy tháng qua, nhiều nhà máy nước không hoàn thành kế hoạch do mất điện. Nói là được ưu tiên, song hệ thống đường dây cấp điện cho các nhà máy nước vẫn nối với trạm biến áp chung của khu vực, khi những trạm này bị sự cố thì các nhà máy cũng chịu chung số phận.

 

Nhìn thẳng sự thật

 

Theo Bộ Công thương, việc tiết giảm điện vừa qua chủ yếu thực hiện ở các phụ tải sinh hoạt và sản xuất nhỏ tại các khu vực nông thôn. Tuy tỷ lệ điện năng thiếu hụt phải tiết giảm trên cả nước chỉ ở mức khoảng 5 đến 6% nhưng do ưu tiên cho sản xuất và các thành phố lớn, cho nên tại một số tỉnh, tỷ lệ tiết giảm thực tế lên tới hơn 10%, cá biệt có nơi gần 20% tổng nhu cầu, dẫn tới tình trạng ở một số tỉnh, việc tiết giảm điện giữa khu vực sản xuất và sinh hoạt không cân đối, điện sinh hoạt nông thôn bị cắt nhiều giờ trong ngày và nhiều ngày trong tuần, gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt, bức xúc trong nhân dân. Bộ Công thương và Cục Ðiều tiết điện lực đã đi kiểm tra tình hình tiết giảm điện ở một số địa phương và đã chỉ đạo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) chấn chỉnh nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ về tiết giảm điện, bảo đảm cắt điện luân phiên, công bằng.

 

Tại những địa phương có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, để san sẻ bớt khó khăn cho sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh, thành phố đã phải chỉ đạo yêu cầu ngành điện và các doanh nghiệp bố trí lại sản xuất, giãn, giảm thời gian chạy dây chuyền thiết bị để giảm lượng tiêu thụ điện năng. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã liên tục chỉ đạo EVN huy động mọi nguồn, kể cả giá thành cao để bảo đảm cung ứng đủ nguồn điện. Chủ tịch HÐQT EVN Ðào Văn Hưng cho biết, trong sáu tháng qua, để huy động các nguồn điện giá cao, chủ yếu là chạy dầu DO, giá thành cao gấp bốn lần so giá điện thông thường, EVN lỗ khoảng 4.700 tỷ đồng.

 

Rõ ràng, việc thiếu điện là trách nhiệm của EVN (doanh nghiệp được giao sản xuất và bảo đảm cung ứng điện). Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công thương, ngành điện cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng thiếu điện từ nay đến cuối năm, đồng thời cần đánh giá tác động của tình trạng này đến tăng trưởng kinh tế đất nước để có giải pháp khắc phục. Ngành điện cũng cần nghiêm túc, nhìn nhận thẳng thắn những yếu kém trong quản lý vừa qua, hạn chế tình trạng "đến hẹn lại lên" nắng nóng - cắt điện. Cần công khai và minh bạch trong trường hợp phải tiết giảm điện.

 

Theo chúng tôi, bên cạnh nguyên nhân diễn biến thời tiết không thuận lợi, nguyên nhân chính là do mất cân đối cung cầu nguồn điện, do đầu tư đưa vào vận hành các nguồn điện mới (cả EVN và các doanh nghiệp khác) không bảo đảm tiến độ vì nhiều nguyên nhân. Tình hình thiếu điện năm nay cho thấy  một số hạn chế trong cơ chế điều hành thực hiện tổng sơ đồ điện quốc gia, tỷ trọng giữa nguồn thủy điện với các nguồn khác. Do đó, các bộ, ngành cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao, hầu hết các dự án điện đều chậm tiến độ, trong đó xem xét năng lực các nhà thầu, đơn vị tham gia đầu tư dự án nhà máy điện. Thực tế vừa qua cho thấy tiến độ và chất lượng một số nhà máy điện mới chưa bảo đảm, cho nên đưa vào vận hành không ổn định, hay gặp sự cố. Bên cạnh đó, cần làm rõ những yếu kém trong công tác dự báo nhu cầu điện, dự báo thời tiết và tác động của thời tiết đến nhu cầu điện, đánh giá khả năng phát điện của các nguồn điện mới trong huy động nguồn chưa chính xác dẫn đến có những sai lệch giữa khả năng cung cấp điện của hệ thống điện và nhu cầu điện thực tế. Xem xét việc xét duyệt quy hoạch những nhà máy tiêu thụ điện năng nhiều (như các nhà máy thép) trên cơ sở cân đối cung ứng điện của địa phương và khu vực. Hơn nữa, cần xây dựng các quy định kiểm soát công nghệ các dây chuyền thiết bị nhập khẩu, nhất là về mức tiêu hao năng lượng như điện, dầu...

 

Ðể xảy ra tình trạng thiếu điện trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân thời gian qua, trách nhiệm lớn vẫn thuộc về EVN. Lãnh đạo EVN cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và làm rõ những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể, cũng như từng cá nhân. Về quản lý nhà nước, đã đến lúc, Bộ Công thương cần nghiên cứu, xem xét tổ chức lại hệ thống cung ứng điện theo hướng xóa độc quyền, chuyển mạnh sang cơ chế thị trường. Có như vậy thì tình trạng thiếu điện trong các tháng mùa khô tiếp theo mới cơ bản được giải quyết.

 

 

 

Tệp đính kèm