Ngoài thiệt hại về người, cơn bão Chanthu (số 2) đã cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, làm hư hỏng hàng nghìn ha lúa và hoa màu.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, 5 ngày qua tại tỉnh Hà Giang có mưa lớn kéo dài đã gây lũ và sạt lở, làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, các công trình giao thông, công trình dân sinh và hoa màu.
Tính đến 11h ngày 25/7, đợt mưa lớn, lũ và sạt lở đất đã làm 7 người chết, 2 người bị thương tại các huyện Bắc Quang, Xín Mần và Yên Minh. Thiệt hại về người lớn nhất là huyện Yên Minh với 5 người; trong đó có 2 trẻ nhỏ. Mưa lũ và sạt lở đất cũng làm sập hoàn toàn 9 nhà, ngập úng làm hư hỏng nặng 68 nhà và phải tiến hành di dời khẩn cấp 25 nhà. Tổng thiệt hại về hoa màu khoảng trên 1.000 ha cùng với diện tích lớn về ao nuôi thủy sản. Theo người dân tỉnh Hà Giang thì đây là trận lũ to thứ 2 từ năm 1986 trở lại đây. Nước to lên nhanh khiến bà con không kịp sơ tán nhà cửa, tài sản.
Ông Hoàng Văn Ó- một người dân ở xã Xuân Giang huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang kể lại: “Tôi đã nhìn thấy lũ năm 1986 một lần, nhưng ít hơn đợt mưa này. Đợt mưa này, nước cao lên tận nhà. Gia đình tôi cũng bị trôi ít đồ đạc. Vợ chồng tôi chạy thoát. Các con cháu sáng hôm sau mới chạy về dọn hộ lối vào nhà”.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh đã trực tiếp xuống các địa bàn cúng ban chỉ huy các huyện, thị xã huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục những thiệt hại do lũ bão gây ra. Đặc biệt, với những gia đình có người bị chết, tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng/người; đối với người bị thương được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng và được đưa lên bệnh viên tỉnh điều trị miễn phí. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương không được để bà con bị đói và rét. Cho đến thời điểm này, các gia đình bị nạn đã cơ bản được ổn định.
Mưa lũ cũng làm sạt lở đất gây ách tắc trên các tuyến quốc lộ quan trọng, như: Quốc lộ 4C đi các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, quốc lộ 34, quốc lộ 279 và hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh, khiến cho việc cứu nạn cứu trợ và khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Tại những địa bàn bị ảnh hưởng nặng, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh Hà Giang đã có mặt kịp thời, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và địa phương cố gắng với mức độ cao nhất đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân.
Ông Hoàng Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban chỉ huy lụt bão – Giảm nhẹ thiên tai của tỉnh cho biết: “Trong những ngày tới, chúng tôi phân công trực 24/24h để đối phó với các tình huống. Trên các vùng triền sông suối, các hộ gia đình cũng đã có phương án di dời để giảm thiệt hại về người cũng như là tài sản của nhân dân. Cơ bản hiện nay, những vùng nguy hiểm toàn địa bàn tỉnh, chúng tôi đã cảnh báo cho nhân dân vùng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm để di dời nhân dân”.
Trước mắt, tỉnh Hà Giang chỉ đạo các huyện, các ngành chức năng các lực lượng tại chỗ để giúp người dân ổn định cuộc sống và có phương án hỗ trợ giống, phân bón cho bà con nông dân sớm ổn định sản xuất. Huy động các phương tiện, thiết bị máy móc để thông các tuyến đường trọng yếu.
** Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa trên diện rộng. Lượng mưa ở Lào Cai trong ngày 25/7 phổ biến từ 15 – 25mm. Nước thượng nguồn sông Hồng trên địa bàn thành phố Lào Cai tiếp tục dâng cao.
Do mưa lớn cục bộ, vào khoảng 4h sáng ngày 25/7, đất đá sạt lở vào 3 nhà tại xã Tân Tiến (huyện Bảo Yên) gây hư hại nặng; trong đó một nhà bị sập hoàn toàn. Tại huyện Bát Xát, nước lũ tràn vào một ngôi nhà người Mông thôn Tả Suối Câu cuốn trôi một số tài sản. Rất may là một em bé được cứu thoát trong cơn lũ này. Đặc biệt trên tuyến đường Hoàng Liên Sơn 1, tại km 21 bị sạt ta-luy dương với khối lượng lớn. Hàng trăm mét khối đất lấp gần kín mặt đường, gây ách tắc giao thông.
Ông Nguyễn Đức Ca, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết, dân quân xã Cốc Mỳ ( Bát Xát) đã tìm thấy một thi thể cháu bé cách nhà ở của gia đình khoảng 50m, do bị lũ cuốn trôi từ chiều 24/7.
** Liên tiếp trong 3 ngày từ 23-25/7, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có mưa kéo dài với gió cấp 7, cấp 8 trên biển, gió cấp 5, cấp 6 trên đất liền.
Tính đến 17h ngày 25/7, Kiên Giang có 13 tàu thuyền lưới ghẹ, tàu câu loại nhỏ bị chìm. Hướng biển từ Phú Quốc ra đảo Thổ Châu, do cường độ gió mạnh, có thời điểm lên đến cấp 9, gió giật trên cấp 9, nên toàn bộ tàu thuyền tạm ngừng hoạt động; trừ tàu an ninh Biên phòng, tàu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tàu cứu hộ cứu nạn. Hiện tỉnh có gần 2.000 tàu thuyền đã tìm được nới trú tránh an toàn.
Mưa to đã làm gần 15.000 ha lúa hè thu mới gieo sạ lại tại 4 huyện U Minh Thượng bị ngập úng nặng. Nông dân đang huy động lực lượng bơm tát nước cứu lúa. Một số vùng ngoại vi thành phố Rạch Giá, thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành) cũng đang bị ngập. Riêng khu vực chợ Tròn, chợ Dài (huyện Kiên Lương) cả ngày 23/7 cho đến tối bị ngập nước, có nơi ngập sâu 0,5 mét, khiến mọi hoạt động mua bán bị ngưng trệ.
Trên tuyến ven biển dài hơn 100 km (bắt đầu từ An Minh đi qua An Biên, thành phố Rạch Giá, huyện Hòn Đất, Kiên Lương đến thị xã Hà Tiên), gió làm 60 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, trong đó có 17 căn nhà bị sập hoàn toàn. Chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm đang ra sức giúp nhau sửa chữa nhà hư hỏng, dựng lại nhà bị sập và ổn định cuộc sống./.
Theo vovnews.vn