Cập nhật: 31/07/2010 10:39:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Y tế và Tài chính vừa trình Chính phủ phê duyệt chi trả nốt 5% Bảo hiểm Y tế cho người nghèo. Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua thì những người nghèo đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập, sẽ được miễn phí hoàn toàn.

 

Luật Y tế năm 2009 quy định: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được nhà nước bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT và khi khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã được thanh toán 100%; khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập được thanh toán 95%.

 

Tuy nhiên, hiện nay, khoản 5% mà người nghèo phải chi trả vẫn luôn là gánh nặng quá lớn cho các gia đình này. Vì vậy, Bộ Y tế và Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chi trả hết 5% BHYT cho người nghèo.

 

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, thì những người nghèo đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập sẽ được miễn phí hoàn toàn.

 

Bênh cạnh đó, Bộ Y tế đang phấn đấu đến năm 2014 sẽ hoàn thành bảo hiểm y tế toàn dân.

 

Sáng nay, PV Tiền Phong Online đã có cuộc trao đổi với ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế xung quanh việc miễn viện phí cho người nghèo và đề án tăng viện phí đang được đưa ra bàn luận.

 

Thưa ông, việc miễn phí hoàn toàn cho người nghèo có phải là một “động thái xoa dịu" việc tăng viện phí?

 

Không, không phải. Thực ra, việc tăng viện phí là để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đặc biệt là chăm lo tốt hơn cho những người nghèo.

 

Trong dự thảo điều chỉnh viện phí, chỉ dự kiến điều chỉnh giá của 12% số dịch vụ quy định tại Thông tư 14, đã thực hiện 15 năm, quá bất hợp lý.

 

88% số dịch vụ còn lại vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03 ban hành năm 2006; Số dịch vụ tăng 7 - 10 lần, chiếm 2% trong tổng số dịch vụ y tế hiện hành.

 

Người bệnh sẽ đóng góp đầy đủ các chi phí trực tiếp, không vì lợi nhuận của bệnh viện. Ví dụ như tiền thuốc, tiền mua các vật tư, hóa chất... thì người bệnh đóng đúng theo giá đầu vào, bệnh viện không thu thêm. Trong số 350 dịch vụ dự kiến sửa đổi lần này, có dịch vụ tăng nhiều, có dịch vụ tăng ít; hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí thực tế.

 

Vậy có cách nào kiểm soát để tránh việc các bệnh viện lại “khai vống” viện phí lên ?

 

Ngoài Bộ Y tế, còn có các cơ quan khác như Bộ Tài chính, LĐTB&XH, bảo hiểm Xã hội… tham gia thẩm định giá.

 

Chúng tôi sẽ làm chặt chẽ, gần giống như “mặc cả” với các bệnh viện, để tính đúng, tính đủ giá thuốc, phí khám chữa bệnh.

 

Vậy việc tăng viện phí có đi kèm tăng chất lượng?

 

Khi tăng viện phí, các bệnh viện sẽ dùng kinh phí đó để đầu tư vào công tác khám chữa bệnh, phục vụ trực tiếp bệnh viện, chứ không phải để tăng thu nhập cho nhân viên. Vì vậy, chất lượng dần dần sẽ tăng.

 

Liệu việc mặc cả giá ấy, nên có thêm cơ quan đại diện cho người bệnh, tương tự như Hội Bảo vệ người tiêu dùng vậy?

 

Về mặt pháp lý thì Hội bảo vệ người tiêu dùng chưa có nhiều quyền hạn và trách nhiệm do Nhà nước giao. Nhưng chúng ta có Bộ Tài chính, LĐTB&XH, Bảo hiểm Xã hội… đại diện cho quyền lợi Nhà nước, quyền lợi nhân dân để giám sát chặt chẽ các khoản viện phí tăng thêm.

 

Theo quy trình, để ban hành Thông tư Liên bộ về điều chỉnh viện phí, trước hết, Bộ Y tế đề xuất các nội dung, nguyên tắc xây dựng khung giá và dự kiến mức thu; xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH và lấy ý kiến các bệnh viện, các Sở Y tế là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quyết định mức thu viện phí tại địa phương; Thành lập Hội đồng thẩm định khung giá sửa đổi.

 

Trên cơ sở đó mới hoàn chỉnh dự thảo, trình xin ý kiến của Thường trực Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, liên bộ Y tế- Tài chính- LĐ-TB&XH mới thống nhất ký ban hành. Hiện nay, Dự thảo đang ở bước khởi đầu. Còn phải tiếp tục qua rất nhiều nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng nữa mới được phê duyệt chứ không thể ban hành ngày một ngày hai được.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Tiền Phong Online

Tệp đính kèm