Cập nhật: 22/08/2010 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để tạo điều kiện cho nông dân nghèo, đặc biệt các hộ, vùng còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất chia nhóm đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể đối với nông dân nghèo, nông dân bình thường và tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam là 1 trong 10 nước gánh chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, mà người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nông dân (chiếm 70% dân số). Thế nhưng, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở nước ta lại kém phát triển. Không có bảo hiểm nông nghiệp, mỗi khi gặp rủi ro, người nông dân mất trắng và dễ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tái đói, tái nghèo.

 

Nông dân mua BHNN sẽ được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm

 

Ông Đỗ Anh Trường, Phó Trưởng phòng Quản lý giám sát bảo hiểm phi nhân thọ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính nhận xét, BHNN hiện chưa đóng góp nhiều cho sản xuất nông nghiệp. Tỉ lệ nông dân tham gia BHNN còn thấp. Hầu như các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đều không được bảo hiểm. Doanh thu phí BHNN chiếm tỉ trọng nhỏ trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ (năm 2004 chiếm khoảng 0,069%, 2005 chiếm 0,008%, 2006 chiếm 0,012%, 2007 chiếm 0,01%). Rất ít doanh nghiệp tham gia BHNN.

 

Hiện mới có hai doanh nghiệp chính thức tham gia là Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) và Công ty Bảo hiểm Groupama (Pháp). Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN &PTNT và Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh mới đang xúc tiến tham gia thị trường BHNN.

 

Hiện nay, có 2 loại BHNN chính nào đang được triển khai, đó là bảo hiểm truyền thống (tính theo giá trị thiệt hại thực tế để bồi thường) và bảo hiểm theo chỉ số (lấy chỉ số khách quan của từng đối tượng bảo hiểm. Ví dụ đối với cây trồng, lấy chỉ số bảo hiểm là thời tiết để làm căn cứ xét bồi thường).

 

Bảo hiểm theo chỉ số khắc phục được các nhược điểm của bảo hiểm truyền thống, quy định mức bồi thường tương ứng với các chỉ số, mà không cần tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại của từng cá nhân. Mức độ bồi thường được tính trên cơ sở năng suất bình quân chung nhiều năm của cả vùng hay tiểu vùng sinh thái.

 

Bộ Tài chính vừa hoàn thành và trình Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2010- 2012 nhằm giúp nông dân bớt thiệt hại khi gặp rủi ro. Điểm quan trọng trong Đề án này là khi nông dân mua bảo hiểm liên quan đến sản xuất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm.

 

Để tạo điều kiện cho nông dân nghèo, đặc biệt các hộ, vùng còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất chia nhóm đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể đối với nông dân nghèo, nông dân bình thường và tổ chức sản xuất nông nghiệp. Dự kiến, Nhà nước hỗ trợ 80 - 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo; 60% cho hộ nông dân không thuộc diện nghèo; 50% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

 

Đối với trường hợp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lớn, trên diện rộng mang tính thảm họa, vượt quá khả năng chi trả, Chính phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết về đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm.

 

Dự kiến, Đề án sẽ thực hiện thí điểm tại một số vùng chuyên canh ở các tỉnh, thành: Chuyên canh lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; chuyên nuôi trâu thịt, bò thịt, lợn thịt, gia cầm thịt tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Hà Nội; nuôi trồng thủy sản, cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. Mỗi tỉnh, thành có thể triển khai thí điểm toàn bộ hoặc trên một vài huyện, xã tiêu biểu.

 

Sau khi Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ triển khai theo chỉ đạo. Bộ Tài chính đang phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm xây dựng các quy tắc, điều khoản, biểu phí đơn giản, dễ hiểu phù hợp với trình độ của nông dân, đồng thời xây dựng thủ tục thanh toán, bồi thường nhanh chóng, đơn giản. Mức phí cụ thể sẽ căn cứ theo vùng miền do DN bảo hiểm chủ động xây dựng.

 

Phát triển bảo hiểm theo chỉ số

 

Ông Đỗ Minh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN &PTNT cho biết, Công ty đã cung cấp cho bà con nông dân loại bảo hiểm tính mạng cho người vay vốn. Hiện nay, công ty đang thiết kế sản phẩm BHNN trên cây trồng, đầu tiên là trên cây lúa. Công ty đang làm thủ tục báo cáo Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi cung cấp dịch vụ cho bà con.

 

Ông Hoàng cũng cho rằng, hiện có rất ít doanh nghiệp tham gia BHNN vì rủi ro trong lĩnh vực BHNN rất cao nên phí BHNN cũng cao. Trong khi thu nhập của người nông dân thấp nên dù muốn họ cũng không có khả năng tham gia. Khi không đạt được số đông đủ lớn để phí BHNN giảm đi thì BHNN rất khó triển khai.

 

Theo ông Hoàng, nên phát triển BHNN theo chỉ số, chỉ bảo hiểm rủi ro trên diện rộng, không bảo hiểm rủi ro đơn lẻ để phí bảo hiểm giảm đi, khuyến khích người dân tham gia. Để BHNN phát triển bền vững, cần có một số giải pháp cụ thể. Trong thời gian đầu, nên bắt buộc cơ chế bán bảo hiểm và mua bảo hiểm. Cơ chế này sẽ tạo ra số đông đủ lớn để kéo mức phí xuống thấp. Giai đoạn tiếp theo áp dụng các biện pháp khuyến khích người dân mua BHNN. Ví dụ, Nhà nước hỗ trợ một phần để khuyến khích người dân mua bảo hiểm.

 

Để nông dân nhiệt tình tham gia

 

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, người nông dân chưa có thói quen mua BHNN vì chưa nhận thức được vai trò, lợi ích của việc mua bảo hiểm. Họ vẫn sản xuất theo kiểu tự sản, tự tiêu; nếu thất bại thì tự chịu trách nhiệm, tự tìm cách khắc phục. Mặt khác, ở một số địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh, người nông dân có nhu cầu mua bảo hiểm thì cũng có rất ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này.

 

Khi Đề án thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2010 - 2012 được Chính phủ phê duyệt, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua bảo hiểm thì bà con nông dân sẽ nhiệt tình tham gia. Hội Nông dân sẽ là một kênh tuyên truyền, vận động để bà con hiểu mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHNN. Đồng thời, Hội sẽ luôn sát cánh cùng bà con tháo gỡ vướng mắc, bảo vệ quyền lợi cho bà con.

 

Sự hợp tác, chia sẻ của các DN tham gia BHNN

 

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc nghiệp vụ, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh cho biết, Bảo Minh là một trong những doanh nghiệp được chỉ định tham gia thí điểm BHNN. Hiện Bảo Minh đã nghiên cứu sản phẩm, làm việc với nhà tái bảo hiểm để chia sẻ rủi ro, đào tạo cán bộ bán bảo hiểm cho các đại lý giúp họ hiểu được sản phẩm để truyền đạt, giải thích cho nông dân và thực tế các đại lý đã giới thiệu sản phẩm đến nông dân.

 

Bảo Minh mong muốn doanh nghiệp tham gia BHNN khác có sự hợp tác, chia sẻ như: cùng tạo quỹ rủi ro, nhận tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm… Bảo Minh sẽ soạn thảo hợp đồng BHNN với người nông dân thật dễ hiểu và chuẩn bị dịch vụ thật tốt, bán nhanh, bồi thường nhanh để khách hàng thấy được lợi ích của BHNN mà tích cực tham gia.

 

Ông Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, để có thể phát triển BHNN một cách bền vững, giai đoạn đầu, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm ở Ấn Độ, Mông Cổ, phát triển mạnh bảo hiểm chỉ số. Giai đoạn tiếp theo phát triển cao hơn có thể thành lập các quỹ bảo hiểm tương hỗ, khuyến khích nhiều công ty bảo hiểm tham gia vào thị trường BHNN./.

 

 

 Theo vovnews.vn

 

Tệp đính kèm