Cập nhật: 16/09/2010 17:10:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% số chỉ tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Nhiều mục tiêu đặt ra cho năm 2015 Việt Nam đã đạt và vượt vào năm 2008.

 

Hội nghị Cấp cao của Liên Hợp Quốc kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ từ ngày 20 - 22/9/2010. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự hội nghị với tư thế là quốc gia hình mẫu thành công thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

 

Cách đây đúng 10 năm (tháng 9/2000), vào buổi bình minh của Thiên niên kỷ mới, LHQ triệu tập hội nghị thượng đỉnh tại trụ sở của tổ chức này ở thành phố New York, Mỹ với sự tham dự của lãnh đạo 189 nước thành viên. Trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển bị gạt ra ngoài lề của quá trình toàn cầu hoá, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thành quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đói nghèo, dịch bệnh, bất công, chiến tranh có nguy cơ lan rộng... lúc đó, hội nghị được đánh giá là “cơ hội ngàn năm có một” nhằm xây dựng một thế giới hoà bình, thịnh vượng và bình đẳng cho tất cả mọi người.

 

Đáp ứng nguyện vọng đó của các dân tộc, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu phát triển gồm: xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khoẻ cho bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác; bảo đảm bền vững về môi trường; thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.

 

Năm 2015 được đặt ra là mốc hoàn thành các mục tiêu này. Đây được coi là dấu mốc lịch sử của LHQ, bởi vì lần đầu tiên sau 55 năm hoạt động, một trong những khuôn khổ hợp tác phát triển của tổ chức lớn nhất thế giới này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của toàn bộ các nước thành viên. Với việc thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ, cũng lần đầu tiên thế giới có được một phương thức, với các mục tiêu, chỉ số và thời hạn cụ thể nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tạo dựng được mối quan hệ đối tác rộng rãi, giúp huy động nguồn lực phục vụ quá trình phát triển toàn cầu.

 

Đến nay, 2/3 chặng đường thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ đã qua, nhìn tổng thể, thế giới đạt được nhiều tiến bộ, lạc quan. Nhiều nước giảm được tỷ lệ đói nghèo, tăng số lượng học sinh nhập học, cải thiện sức khoẻ trẻ em, mở rộng số người được tiếp cận nước sạch, kiểm soát tốt dịch bệnh. Thành tựu này đạt được ngay tại những nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới cho thấy các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ hoàn toàn khả thi.

 

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện cũng cho thấy sự thiếu bền vững, thiếu đồng đều giữa các mục tiêu cũng như giữa các khu vực, quốc gia và các nhóm dân cư. Trong khi các mục tiêu về xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới... tiến triển tích cực và có triển vọng tốt thì việc thực hiện mục tiêu: giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, tăng cường sức khoẻ bà mẹ và đảm bảo môi trường bền vững, vẫn gặp nhiều khó khăn.

 

Châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, được đánh giá là điểm sáng với số người nghèo giảm gần 50% so với năm 1990, hơn 90% số trẻ em đến tuổi được đến trường, bình đẳng giới được nâng cao, sự lây lan của HIV/AIDS được khống chế. Các nước Đông Âu, Bắc Phi, Mỹ La tinh và Caribbean tiếp tục tiến bộ ổn định, trong khi khu vực Tây Á và châu Phi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là 33 nước kém phát triển nhất tại khu vực cận Sahara, nhiều khả năng sẽ không hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015. Trong phạm vi từng quốc gia, tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ còn chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi.

 

Điểm sáng Việt Nam

 

Hơn 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,2% cùng những chính sách kinh tế, xã hội hiệu quả, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận là quốc gia thành công, đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ ở châu Á- Thái Bình Dương.

 

Theo báo cáo của Uỷ ban Kinh tế- Xã hội châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% số chỉ tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Nhiều mục tiêu đặt ra cho năm 2015 Việt Nam đã đạt và vượt vào năm 2008 như: xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khoẻ bà mẹ; sốt rét và các bệnh dịch khác được đẩy lùi; thiết lập đối tác toàn cầu vì phát triển.

 

Trong lĩnh vực giảm nghèo, Việt Nam được coi là điểm sáng trong số các quốc gia cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên  kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và muốn được chia sẻ kinh nghiệm.

 

Tính đến cuối năm 2002, Việt Nam đã đạt mục tiêu “giảm 1/2 tỷ lệ nghèo”, tức là từ 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 14,5% vào năm 2008. Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong độ tuổi; có mục tiêu cụ thể cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập trung học phổ thông. So với các quốc gia có cùng mức độ phát triển và thu nhập, Việt Nam có các chỉ số về bình đẳng giới khá cao. Việt Nam đã xóa bỏ được những khác biệt về giới trong giáo dục. Trong số lao động mới được giải quyết việc làm hàng năm, nữ giới chiếm khoảng 49%. Phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân; vị trí lãnh đạo của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp...

 

Cam kết và quyết tâm của Việt Nam được cụ thể hóa bằng việc lồng ghép các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đổi mới cơ chế chính sách, phương thức huy động nguồn lực phát triển và lựa chọn ưu tiên cao hơn cho các vùng phát triển chậm, các nhóm dân cư nghèo, dễ bị tổn thương. Thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ cũng chính là thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

 

Các mục tiêu phát triển của Việt Nam và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đã được triển khai trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực trong nước, khơi dậy sự tham gia và đóng góp tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, huy động và sử dụng hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức thuộc LHQ, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ.

 

Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và sẽ đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trên phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong thời gian tới là đảm bảo các mục tiêu có thể đạt được một cách đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, những biến động không thuận lợi của tình hình kinh tế toàn cầu cũng đang là một thách thức đáng kể với Việt Nam trong việc duy trì bền vững các kết quả giảm nghèo nói riêng và kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ nói chung.

 

Tham dự Hội nghị cấp cao của LHQ lần này, đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu, sẽ chia sẻ kinh nghiệm với các nước, đóng góp về phương hướng từ nay đến năm 2015, qua đó, một lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, luôn là thành viên tích cực, chủ động, xây dựng và có trách nhiệm./.

 

 

 

Theo  vovnews.vn.

Tệp đính kèm